Dịch bệnh COVID-19 gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế, làm đảo lộn mọi hoạt động xã hội. Tuy vậy, cũng là cơ hội để du lịch - ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, có nhìn nhận, đánh giá lại toàn diện hơn...
Tại Đà Nẵng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngoài sự thay đổi diện mạo đô thị, hạ tầng giao thông, thì nền kinh tế cũng phát triển sôi động. Tuy vậy, có thể thấy nổi bậc nhất là sự phát triển của thị trường bất động sản. Ngoài ra du lịch cũng là lĩnh vực kinh tế mới nổi lên mạnh mẽ. Theo đó thì bất động sản du lịch cũng "ăn theo", sôi động với nhiều phân khúc thị trường.
Thế nhưng, bán đất nền, kể cả bất động sản du lịch không thể giữ mãi "phông độ" để phát triển. Những biểu hiện tiêu cực của thị trường này dã bắt đầu hé lộ, đổ vỡ. Thị trường chững lại, rớt giá, thậm chí nhiều nhà đầu tư thứ cấp đứng trước nguy cơ "vỡ trận".
Riêng du lịch, qua đại dịch COVID-19 đã bộc lộ rõ hơn những yếu điểm sau thời gian phát triển nóng vừa qua. Sau khi cơ bản được kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 UBND thành phố Đà Nẵng lập tức xây dựng Đề án cơ cấu lại ngành du lịch thành phố đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Trong đó, xác định cơ cấu lại thị trường khách quốc tế theo hướng hợp lý hơn, tránh phụ thuộc vào thị trường chi phối để hạn chế “rủi ro” khi những thị trường đó đột ngột suy giảm.
Phân tích của ngành du lịch Đà Nẵng cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc chi phối thị trường khách quốc tế của Đà Nẵng, chiếm tới 82% lượng khách quốc tế năm 2018. Năm 2019, tỉ trọng của 2 thị trường này có giảm, song vẫn chiếm hơn 70%.
Trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2018, khách du lịch đến Đà Nẵng tăng gấp 30 lần, nhưng tổng thu từ du lịch của Đà Nẵng chỉ tăng gấp 3 và tổng thu trực tiếp từ du lịch chỉ tăng gấp đôi.
Điều này cho thấy tính hiệu quả của thị trường khách du lịch ngày càng giảm sút, chi tiêu của du khách Hàn Quốc ngày càng thấp hơn.
Thống kê sơ bộ trong quý I năm 2020, tổng thiệt hại của ngành du lịch Đà Nẵng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khoảng hơn 1.900 tỷ đồng. Cả năm 2020 ước tính hại khoảng 6.800 tỷ đồng.
Để khôi phục hoạt động du lịch, thành phố Đà Nẵng xác định cơ cấu lại thị trường du lịch, sản phẩm du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đường thủy nội địa, lưu trú tại vịnh Đà Nẵng và cảng biển du lịch; phát triển du lịch phía Tây thành phố, đặc biệt phải có sự liên kết chặt chẽ với các địa phương lân cận như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, hướng đến sự phát triển bền vững.
Về dài hơi là vậy, song cần có những nghiên cứu thật sự chu đáo, tránh ăn xổi, phát triển nóng như thời gian qua. Trước mắt, Đà Nẵng đang bàn đến câu chuyện thu hút khách nội địa. Tạo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ phù hợp, hấp dẫn với đối tượng khách trong nước. Đây là hướng đi đúng trong bối cảnh kinh tế khó khăn và tình hình dịch bệnh chưa ổn định hẳn trên thế giới.
(Nguồn: Vi Vu 247)