Từ một đơn vị nảy sinh nhiều điểm vướng trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6, khoá XII, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực từng bước tháo gỡ vướng mắc, trở thành địa phương đi đầu, cơ bản hoàn thành các bước sáp nhập với tỉ lệ đồng thuận từ nhân dân đạt cao nhất trong toàn huyện.
“Có được thành công này trước hết phải kể đến công tác “dân vận khéo” đã giải được “bài toán tư tưởng” cho đội ngũ cán bộ kết hợp phát huy dân chủ, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền với nhân dân, nói và làm để dân tin, dân nghe, hưởng ứng, ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt năm 2019, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã biểu dương, khen thưởng những đóng góp xuất sắc của cá nhân ông Nguyễn Bá Đức, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận xã Vĩnh Tân”, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Vĩnh Linh Vũ Văn Phong cho biết.
Tiếp chúng tôi sau cuộc họp bàn tiến tới kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị- xã hội, ông Nguyễn Bá Đức cho hay, mọi công việc đang được hoàn thiện để đơn vị hành chính mới là thị trấn Cửa Tùng, được sáp nhập từ xã Vĩnh Tân và thị trấn Cửa Tùng trước đây, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2020. Khi chúng tôi hỏi về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai việc sáp nhập tại địa bàn quản lý, ông Đức chia sẻ: “Thuận lợi chung song khó khăn riêng…”.
Xã chiếm đến 1/4 cán bộ dôi dư toàn huyện: Tâm tư nhiều nhưng đồng thuận cao
Theo đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, xã Vĩnh Tân sẽ sáp nhập với thị trấn Cửa Tùng. Đối với xã Vĩnh Tân, việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính làm nảy sinh nhiều điểm vướng, mà khó khăn lớn nhất từ công tác cán bộ. Sau thực hiện sáp nhập, toàn huyện Vĩnh Linh có gần 80 cán bộ dôi dư thì riêng xã Vĩnh Tân có đến gần 20 cán bộ. “Ở cơ sở, vấn đề cán bộ khá nhạy cảm, bởi không chỉ đơn thuần về chức danh, chức vụ mà còn ảnh hưởng đến tư tưởng, liên quan đến lợi ích cá nhân, danh dự gia đình, dòng họ”, ông Đức nói.
Được biết, thời điểm có thông tin về chủ trương sáp nhập, việc sắp xếp lại bộ máy hành chính xã, hầu hết cán bộ xã Vĩnh Tân không tránh khỏi những băn khoăn. Ai cũng có những nỗi niềm riêng. Người còn tiếp tục công việc lo lắng trước áp lực bộn bề sau sáp nhập. Người phải tinh giản cũng trĩu nặng tâm tư. Xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm, mấu chốt trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã muốn dân đồng thuận trước hết cán bộ, đảng viên phải thông suốt, xã Vĩnh Tân chỉ đạo tập trung làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, trong đó công tác dân vận là giải pháp then chốt nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất. Ông Đức cho biết: Vốn không hề đơn giản nên nếu thực hiện không tốt sẽ tác động lớn đến suy nghĩ, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, dễ gây ra tâm lý hoang mang, xáo trộn ở các địa phương.
- Vậy địa phương đã làm công tác tư tưởng cho cán bộ như thế nào?- Tôi hỏi ông Đức.
- Từ bản thân mình mà ra thôi. Cũng đứng trước những thay đổi theo sự điều chỉnh từ các cấp nên phần nào tôi cũng hiểu tâm tư của anh em. Bấy lâu nay ổn định, phấn đấu hết mình trong công việc, nay thay đổi bảo sao không rối. Nhưng là một cán bộ, đảng viên, phải hiểu để thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đầu tiên, quan trọng nhất là cần sự đồng lòng, góp sức từ chính đội ngũ cán bộ cơ sở - những người trực tiếp tác động đến dư luận xã hội, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân. Từ đó làm gương để những người khác nghe theo, làm theo.
Nêu cao tính tiên phong, gương mẫu đi đầu trong ủng hộ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, ngoài tích cực tham mưu cùng Đảng ủy, UBND xã xây dựng kế hoạch đảm bảo mọi mặt cho công tác sáp nhập, ông Đức luôn bám sát cơ sở, chia sẻ cái khó, cái vướng cùng anh em. Trong các hội nghị cũng như những câu chuyện thường ngày, ông lồng ghép, tăng cường tuyên truyền, giúp đội ngũ cán bộ hiểu thêm chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính. Đồng thời củng cố niềm tin để mỗi cán bộ, đảng viên tin tưởng vào quyết định của HĐND các cấp. Bởi qua nhiều cuộc làm việc với đội ngũ cán bộ các đơn vị sáp nhập nói chung, xã Vĩnh Tân nói riêng, HĐND các cấp đã khẳng định những cán bộ, công chức cấp xã có đủ năng lực, trình độ thì sau khi sắp xếp lại sẽ được bố trí công việc phù hợp. Phương án bố trí cán bộ được nghiên cứu, sắp xếp đúng người, đúng việc, tránh xáo trộn. Việc điều động được giải quyết trên cơ sở vừa đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, vừa đúng với khả năng, chuyên môn.
“Tôi vẫn nói với anh em rằng nếu thuộc diện thuyên chuyển, môi trường làm việc mới, vị trí mới, mỗi cán bộ càng được cọ xát thực tiễn nhiều hơn, là quá trình trải nghiệm mới của bản thân và cũng là cơ hội để lãnh đạo các cấp và nhân dân thấy được năng lực thực sự ở mỗi người. Còn đối với những cán bộ thuộc diện tinh giản vì lý do sức khỏe hoặc chưa phù hợp với vị trí việc làm, cần vận động thực hiện các chế độ theo qui định của nhà nước. Từ nguồn hỗ trợ sau khi nghỉ việc có thể chuyển đổi nghề nghiệp để phát triển kinh tế. Mặt khác, thể hiện trách nhiệm của lớp người đi trước, mở cơ hội việc làm cho thế hệ cán bộ trẻ đã được chuẩn hoá về trình độ, đáp ứng nhu cầu việc làm trong tình hình mới. Chung quy lại, đi đâu, làm gì miễn sao mình giữ được ngọn lửa nhiệt thành, hết lòng góp sức cho mục đích cao nhất là phục vụ quê hương thì sẽ được nhân dân ghi nhận xứng đáng”, ông Đức nói thêm.
Chấp nhận mất tên cũ để giữ lại một niềm tự hào: Cửa Tùng!
Giai đoạn 2019- 2021, huyện Vĩnh Linh tiến hành sáp nhập 7 xã, 1 thị trấn thành 4 đơn vị hành chính mới, cụ thể: Sáp nhập xã Vĩnh Tân với thị trấn Cửa Tùng; xã Vĩnh Kim với xã Vĩnh Thạch; xã Vĩnh Nam với xã Vĩnh Trung; xã Vĩnh Hiền với xã Vĩnh Thành. Tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập cũng là vấn đề làm “đau đầu” chính quyền địa phương. Ở huyện Vĩnh Linh, việc đặt tên đơn vị mới phổ biến ghép từ tên của các xã sáp nhập. Song riêng chuyện ghép tên nào trước, tên nào sau cũng đã gây tranh luận trong cộng đồng dân cư. Vì vậy khi đưa ra phương án sau sáp nhập, 4 đơn vị hành chính mới sẽ có tên: Xã Kim Thạch (từ sáp nhập xã Vĩnh Kim - Vĩnh Thạch); xã Trung Nam (từ xã Vĩnh Nam- Vĩnh Trung); xã Hiền Thành (từ xã Vĩnh Hiền - Vĩnh Thành); thị trấn Cửa Tùng (từ xã Vĩnh Tân - thị trấn Cửa Tùng), đa phần người dân xã Vĩnh Tân đều đắn đo, suy nghĩ. Nhiều ý kiến cho rằng sáp nhập xã Vĩnh Tân với thị trấn Cửa Tùng nhưng tên mới chỉ giữ tên thị trấn Cửa Tùng, như vậy không khác gì xã Vĩnh Tân bị “xoá sổ”. Vì vậy việc lựa chọn, quyết định đặt tên đơn vị mới này ở xã Vĩnh Tân vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.
Nhắc đến vấn đề này, ông Đức trầm ngâm hồi lâu rồi tâm sự: “Với lịch sử gần 70 năm hình thành và phát triển, cái tên xã Vĩnh Tân vừa gắn bó chặt chẽ với đặc điểm địa lý tự nhiên, vừa kế thừa nét văn hoá riêng, mang tính cội nguồn lịch sử, tinh thần của cả cộng đồng. Điều này có ý nghĩa quan trọng với bao thế hệ người dân Vĩnh Tân. Việc ban đầu người dân không thống nhất với tên gọi mới cũng dễ hiểu. Sinh ra, lớn lên ở địa phương, chứng kiến nhiều đổi thay, chính một người con của quê hương Vĩnh Tân như tôi cũng tiếc nuối vì mai này cái tên Vĩnh Tân sẽ không còn nữa”. Những cuộc họp dân đầu tiên đã có ý kiến về tên gọi mới, ông Đức cùng Đảng ủy, UBND xã nhận định phải thực hiện việc này một cách cẩn trọng, khéo léo nếu không tỉ lệ người dân đồng tình sẽ không đạt mức trên 50% để sáp nhập. Muốn thay đổi suy nghĩ đã ăn sâu vào tâm thức của bà con cần dành thời gian, chẳng thể nóng vội trong ngày một, ngày hai. Với kinh nghiệm trên 10 năm hoạt động công tác dân vận, ông Đức căn cứ vào tình hình thực tiễn tại các khu dân cư, xây dựng kế hoạch phối hợp giữa Uỷ ban Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội để sát, gần dân hơn, vừa lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân vừa trực tiếp đối thoại, phân tích, lý giải cho người dân hiểu vì sao lại có phương án giữ tên thị trấn Cửa Tùng khi sáp nhập.
Ông Đức bộc bạch: “Thực ra đã có nhiều phương án được đưa ra, tôi theo đó dò hỏi bà con: Nếu lấy tên gọi mới trong đó nhất định giữ lại chữ Tân của xã Vĩnh Tân, như vậy sẽ có 2 kết quả: Thị trấn Tân Tùng hoặc thị trấn Tùng Tân, liệu bà con có thấy hợp lý? Phương án khác, nếu bỏ hẳn tên xã Vĩnh Tân, thị trấn Cửa Tùng mà đặt một tên mới, như vậy càng không giữ lại được nét riêng biệt nào của cả 2 địa phương, liệu bà con có thấy thỏa đáng? Mặt khác, vì sao lại nghiêng về tên thị trấn Cửa Tùng? Tên gọi thị trấn Cửa Tùng gắn liền với bãi biển Cửa Tùng, địa danh lịch sử, điểm du lịch nổi tiếng, niềm tự hào mỗi khi nhắc đến Vĩnh Linh, Quảng Trị. Nếu thay đổi tên đơn vị hành chính sẽ có thể kéo theo những thay đổi không đáng có, liệu bà con thấy có buồn lòng?.
- Bà con mình trả lời thế nào ạ? Tôi tò mò.
-Im lặng! Mà im lặng nghĩa là bà con đang phân vân. Thấy có thể đúng mới phân vân, rồi sau đó tự bản thân có sự lựa chọn thay vì cứ một mực giữ ý kiến riêng của mình như trước.
Từ những phản hồi tích cực khi người dân dần bỏ lối suy nghĩ một chiều, biết cân nhắc vì lợi ích chung, ông Đức tiếp tục đẩy mạnh vận động qua nhiều kênh khác nhau. Bên cạnh đó, chú trọng tranh thủ tiếng nói của các bậc cao niên, những người có uy tín trong cộng đồng, cùng với cán bộ dân vận, mỗi người như một tuyên truyền viên không quản ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, kiên trì thuyết phục trên tinh thần dân chủ, không áp đặt và theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” cho đến khi người dân nhất trí với phương án sáp nhập xã Vĩnh Tân vào thị trấn Cửa Tùng với tên đơn vị hành chính mới: Thị trấn Cửa Tùng. Và khi đơn vị hành chính mới chính thức đi vào hoạt động thì các thủ tục hành chính liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân sẽ được chính quyền địa phương đảm bảo trong quá trình triển khai thực hiện.
Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Tân Nguyễn Quang Hưng khẳng định: “Ông Nguyễn Bá Đức là một cán bộ Mặt trận gương mẫu, tâm huyết, nhiệt tình, luôn đi đầu trong mọi công việc. Đặc biệt ông có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Mặt trận, công tác dân vận, góp phần quan trọng cùng địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị thời gian qua. Trong đó phải kể đến việc hiện thực hóa chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính vào cuộc sống, được nhân dân hết sức ủng hộ, hoàn thành sớm việc sắp xếp, sáp nhập thôn An Du Nam 2 với An Du Nam 3 thành thôn An Du Nam 2 đạt tỉ lệ 100%; sáp nhập xã Vĩnh Tân với thị trấn Cửa Tùng lấy tên đơn vị hành chính mới là thị trấn Cửa Tùng với ý kiến cử tri đồng thuận cao nhất toàn huyện. Với một xã thuần nông như Vĩnh Tân, từ đây khối đại đoàn kết không ngừng được củng cố và mở rộng; cán bộ, đảng viên và nhân dân trên dưới một lòng, quyết tâm cùng với thị trấn Cửa Tùng hướng đến xây dựng đơn vị hành chính mới phát triển đồng bộ cả về nông nghiệp, ngư nghiệp, thương mại du lịch, xứng đáng là trung tâm văn hóa, kinh tế vùng Đông của huyện Vĩnh Linh.”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)