Sau khi phát hiện nhiều ca mắc COVID-19 ở cộng đồng, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Gặp khó trong việc triển khai "3 tại chỗ" (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) nên các công ty lớn ở thành phố này vắng bóng công nhân.
3 ngày kể từ lúc thành phố Đông Hà triển khai Chỉ thị 16, các doanh nghiệp có đông công nhân ở Khu công nghiệp Nam Đông Hà (thành phố Đông Hà) vẫn đang loay hoay trong việc chọn phương án đưa công nhân tới công xưởng.
Công ty TNHH MTV dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam có hơn 1.400 công nhân, trong đó 90% lưu trú ở ngoài thành phố Đông Hà.
Ngày 17.9, 2 ngày sau khi thành phố Đông Hà thực hiện Chỉ thị 16, ở công ty này chỉ có 250 công nhân đến làm việc. Còn ngày 18.9 này, số lượng công nhân và quản lý đến công xưởng tăng lên được khoảng 300 người.
Bà Lê Minh Ngọc - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam cho biết, tại công ty có đủ điều kiện để triển khai 3 tại chỗ cho công nhân. Nhưng vào ngày 15.9, khi Chỉ thị 16 có hiệu lực, công ty tổ chức họp thì toàn bộ công nhân không đồng ý thực hiện "3 tại chỗ" vì nhiều lý do.“Phần lớn, công nhân có con nhỏ. Con nhỏ thì học online, ở lại công ty thì ai bày cho con học. Rồi mỗi người một cảnh, nên họ không muốn ở lại công ty” – bà Ngọc cho hay.
Hiện, ở công ty này rất cần công nhân may, nên trong ngày 17.9, công ty đã có văn bản gửi chính quyền địa phương, kiến nghị 3 phương án để ổn định sản xuất: triển khai "3 tại chỗ" cho công nhân nào sắp xếp được; làm giấy đi đường; công ty tổ chức đưa đón.
Tuy nhiên, ở phương án 1 thì chỉ được ít công nhân chấp nhận; phương án 2 và phương án 3 nếu thực hiện phải kèm theo điều kiện có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, và giấy này chỉ có hiệu lực trong vòng 72h, nên cũng khó thực hiện.
“Việc chi trả kinh phí xét nghiệm một vài lần thì được, chứ kéo dài thì rất khó triển khai vì kinh phí lớn. 90% công nhân của công ty lại lưu trú ở ngoài khu vực thực hiện Chỉ thị 16, nên công ty mong muốn chính quyền có cơ chế, tạo điều kiện hỗ trợ” – bà Lê Minh Ngọc nói.
Cũng rơi vào tình trạng công xưởng vắng bóng công nhân, trong ngày 18.9 ở Công ty may Hòa Thọ - Đông Hà chỉ có 200 công nhân đến làm việc, ít hơn ngày hôm qua hơn 400 công nhân và ít hơn ngày thường 1.100 công nhân.
Tương tự như ở Công ty TNHH một thành viên dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam, việc thực hiện "3 tại chỗ" ở Công ty may Hòa Thọ - Đông Hà khó triển khai.
Vào ngày 17.9, công ty này đề xuất với đơn vị quản lý sẽ thuê xe ôtô khách để đưa đón công nhân đi về kèm với giấy thông hành do công ty cấp.Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Quảng Trị: Tạo việc làm mới cho hơn 14.000 lao động
Tuy nhiên, để thực hiện phương án cũng phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 có hiệu lực trong vòng 72h.
“Thuê xe đưa đón thêm tốn kém. Từ ngày mai, công nhân sẽ đi xét nghiệm, sau đó công ty đem giấy đi đường cho các công nhân đến tận chốt kiểm soát ở nơi giáp ranh với thành phố Đông Hà” – ông Hoàng Quảng Trung – Chủ tịch Công đoàn Công ty may Hòa Thọ - Đông Hà cho biết.
Theo ông Hoàng Văn Tuân – Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương tỉnh Quảng Trị, trong số các đơn vị do ngành quản lý tại thành phố Đông Hà, chỉ ít doanh nghiệp thực hiện được "3 tại chỗ" để sản xuất khi địa phương thực hiện Chỉ thị 16, và các doanh nghiệp này chỉ có từ 10 đến chưa đến 100 công nhân.
“Trong 38 đơn vị trực thuộc ngành, thì 50% đã đóng cửa, 50% đang hoạt động thì chỉ 10% thực hiện được "3 tại chỗ". 40% còn lại phải chấp nhận tạm dừng sản xuất hoặc thu hẹp sản xuất để phòng chống dịch” – ông Hoàng Văn Tuân, thông tin.