Chợ trôi trong sương

Diệu Thông |

Đi chợ tết bao giờ cũng thật vui, gấp gáp, cứ muốn mua hết chợ mang về nhà. 

Nhưng cũng có những lần đi chợ tết mà như đang trôi. Trôi giữa bồng bềnh sương sớm, giữa cái rét cắt da, trôi giữa những tiếng cười nói vỡ òa như cái chợ nổi trên sông giữa tiết trời tháng chạp.

Trước đây, khi bếp ga chưa lên ngôi, chợ tết năm nào mẹ tôi cũng đi bán củi. Vào mùa hè, mẹ cùng những người phụ nữ trong làng sẽ vào rừng chặt củi, đến lúc nào ước chừng được vài chục bó thì cho trâu kéo về nhà. Củi bán không những phải khô mà còn đẹp nữa. Bó củi có các nhánh nhỏ đều tăm tắp, lạt buộc chặt và hai đầu lúc nào cũng được so bằng lẳn. Ngoài củi, hàng quà bán tết còn thêm lắm thứ. Vài con gà, vài chục xấp lá chuối, rồi thêm ổi, thêm cam…Trong nhà, trong vườn có gì là mang đi hết.
 
 Ảnh: Nông Văn Dân

Tinh mơ, trời còn chưa sáng hẳn, khi sương và khí lạnh còn vây bọc khắp nương bãi, ba và mẹ đã trở dậy để chuyển hàng hóa xuống bến sông, chờ thuyền lên đón. Mà lúc đó chẳng ai gọi là thuyền, gọi là đò, đò máy. Mấy người đàn ông có làn da đen, bóng loáng như mạ đồng, ngụ cư ở xóm vạn cuối làng chính là những chủ đò lực lưỡng. Vì nhà ở sát nách sông nên chỉ cần nghe tiếng máy nổ bành bạch, ba mẹ đã giục nhau quýnh quáng. Ba gánh củi, mẹ gánh lá chuối và hoa quả, tôi phụ trách chú gà trống tơ có chiếc mào đỏ chót nằm im thin thít trong chiếc giỏ tre. Về đến bến, trong ánh tờ mờ, tôi thu mình vào chiếc áo khoác tránh luồng gió buốt, ước giá như con dốc dẫn xuống bến sông có thể thoải hơn, ít lún cát hơn, đôi vai gánh củi của ba chắc sẽ bớt phập phồng.

Làng thuần nông nghiệp, cuối làng lại có xóm vạn đông đúc nên có đến năm, bảy chủ đò luân phiên chở hàng và người đi chợ. Bình thường thì 3, 4 ngày mới có một chuyến nhưng khoảng từ 20 tháng chạp trở đi thì ngày nào cũng có đò. Đò chạy thẳng lên tận làng trên, bốc hàng, chở người, rồi cứ thế lần lượt xuôi lại về từng bến, đến chừng nào hết hàng hết bến thì sẽ một mạch chạy thẳng về chợ tỉnh ở trung tâm thị xã Đông Hà (nay là thành phố).
 
 Ảnh: Nông Văn Dân

Mặc dù hơi rét nhưng khí lạnh ban sớm sẽ làm ai nấy dễ tỉnh người hơn khi xuống bến. Bước lên đò, tôi thích nhất là lúc nghe tiếng gáy của chú gà trống được neo dây vào cây sào phía mũi đò, giòn giã và vang xa. Trời sau đó sẽ sáng và ấm dần lên. Những ánh nắng đầu tiên bắt đầu le lói, vén dần bức màn sương khổng lồ, cảnh vật từ từ hiện ra. Tôi thò tay xuống cạnh mạn thuyền rẽ nước. Mọi người lúc này dần ổn định chỗ ngồi, bày hàng bánh ra ăn và nói cười rôm rả. Một cái chợ nhỏ cứ thế tròng trành trôi theo dòng nước, làng mạc ven sông lùi dần, lùi dần.

Lúc về đến chợ Đông Hà, trời đã sáng hẳn, những người mua củi, mua lá chuối, mua gà đã đợi sẵn trên bờ. Bấy giờ, người vất vả nhất là mẹ. Nếu ở nhà có ba phụ gánh củi xuống thuyền thì bây giờ một mình mẹ phải chuyền hết mấy chục bó củi đặt lên mép chợ. Tôi sẽ lãnh nhiệm vụ đứng trông củi để mẹ tiếp tục “tập kết” hàng hóa hết vào một chỗ. Thường thì củi sẽ được bán rất nhanh vì có giá định sẵn. Những món hàng còn lại thì phải chờ ngã giá thuận mua vừa bán. Khi con bóng càng ngắn dần cũng là lúc tôi đói cồn cào và lả dần vì mệt. Thế mà đôi dép màu đỏ của mẹ vẫn xăm xăm rẽ ngang xáo dọc, tôi cố sức dí mắt, bám theo chân mẹ vì chợ đông như mắc cửi, không khéo lại lạc mẹ, rơi đồ. Xế chiều, mọi thứ cũng được bán xong, mẹ sẽ mua trà, mua cát, vài lát cá kho, mua vài lạng thịt, thêm ít bó nhang. Tôi chờ mẹ mua cho một tấm áo mới. 
 
  Ảnh: Nông Văn Dân

Bây giờ, theo thời gian, đường sá liên thôn liên xã nối liền về tận ngõ nên chẳng ai còn đi chợ bằng đò. Mọi người chuyển đổi đủ nghề. Tiền kiếm được nhiều hơn, nhà cao cổng lớn, tường rào xanh đỏ đủ màu, những chiếc loa kẹo kéo phát nhạc xuân xập xình từ trưa tới tối… Thế mà tết vẫn như thiếu một niềm hân hoan.

Nhịp sống vội vàng khéo đẩy đưa những tất bật không tên tuổi. Trên chuyến xe từ phố về quê chiều 30 tết, tôi cứ mường tượng mãi về buổi sáng tinh mơ năm ấy theo mẹ xuống đò. Những ngày cuối cùng của tháng chạp, nếu trưa nắng ấm thì sáng càng dày sương. Chiếc đò bành bạch nổ máy rồi đưa căn chợ nhỏ với đủ loại rau trái vườn nhà trôi đi trong sương. Khí lạnh khiến hơi thở phả ra cuộn tròn thành những tia khói nhỏ, vậy mà trong lòng lại ấm rực lên bởi một niềm vui vì mẹ đã hứa mua cho tôi tấm áo mới để cùng chúng bạn đón tết về.

Tết ngày ấy, bồng bềnh những mong ước và bình yên.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS