Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, những năm gần đây, xã Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã khuyến khích, hỗ trợ người dân trên địa bàn đầu tư phát triển nhiều mô hình cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt gần đây, xã đã liên kết với doanh nghiệp triển khai mô hình cây dược liệu cà gai leo, giúp người dân tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Mô hình được người dân hưởng ứng và bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Trên vùng đất đồi hơn 1 ha, nhiều năm nay gia đình Ăm Phê ở thôn Kỳ Tăng trồng một số loại cây như chanh leo, sắn…nhưng không phù hợp nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Đầu năm 2019, được sự hỗ trợ của chính quyền xã và Công ty TNHH Thảo dược Huệ Đà, Thành phố Hồ Chí Minh, gia đình ông quyết định chuyển đổi 2 sào đất đồi để trồng cà gai leo.
Thực hiện mô hình này, ông được Công ty TNHH Thảo dược Huệ Đà hỗ trợ về kỹ thuật làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch và giống cây cà gai leo; xây dựng hệ thống tưới tự động. Để đảm bảo nguồn nước tưới thường xuyên cho cây, gia đình ông đã dẫn nước từ suối gần nhà về mô hình. Phân bón cho cây được sử dụng chủ yếu từ phân chuồng của gia đình hoặc thu gom phân chuồng của những nhà dân trong xã. Sau hơn 1 năm kể từ ngày xuống giống, cây cà gai leo phù hợp với chất đất và khí hậu ở địa phương nên mô hình này phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với những loại cây trồng trước đây của gia đình ông.
Ăm Phê cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi vì được xã chọn làm mô hình thí điểm trồng cà gai leo và doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình. Cũng diện tích đất này, vụ sắn năm trước gia đình tôi chỉ thu được hơn 6 triệu đồng. Giờ chuyển sang trồng cà gai leo lợi nhuận mang lại gấp nhiều lần (vụ vừa rồi thu hoạch được gần 40 triệu đồng). Nhờ vậy, cuộc sống gia đình tôi tốt hơn trước nhiều. Thời gian tới, chúng tôi mong tiếp tục được địa phương và doanh nghiệp hỗ trợ để mở rộng mô hình này”.
Cũng như gia đình Ăm Phê, gia đình bà Kăn Linh ở thôn Tăng Cô Hang được hỗ trợ trồng 0,5 ha cà gai leo trên đất trồng sắn và chanh leo kém hiệu quả. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên bước đầu mô hình mang lại hiệu quả khá cao. Bà Kăn Linh chia sẻ: “So với các loại cây khác trước đây thì trồng cà gai leo thuận lợi hơn nhiều, thu nhập lại cao hơn (đợt thu hoạch đầu tiên được 18 triệu đồng). Bước đầu, gia đình không phải đầu tư về vốn mà chỉ bỏ công sức để trồng và chăm sóc, sản phẩm được doanh nghiệp cam kết thu mua với giá ổn định. Do đó, thời gian tới chúng tôi sẽ chuyển đổi thêm một số diện tích sang trồng cà gai leo để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
Lìa là xã được sáp nhập từ 2 xã A Túc và A Xing trước đây. Đời sống của người dân của xã phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, từ đầu năm 2019 xã Lìa kết nối với Công ty TNHH Thảo dược Huệ Đà trồng cây dược liệu cà gai leo với tổng diện tích 3 ha. Phương thức liên kết cụ thể là chủ doanh nghiệp đầu tư toàn bộ cây giống (25 triệu đồng/sào), hệ thống nước tưới và kiến thức khoa học kỹ thuật, người dân bỏ công trồng, chăm sóc. Công ty cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau khi người dân thu hoạch. Kết quả bước đầu cho thấy, cây cà gai leo tại xã Lìa rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây. Nguồn nước tưới được sử dụng từ khe suối và phân bón hoàn toàn bằng phân chuồng nên khá thuận lợi cho quá trình thực hiện mô hình. Cây sinh trưởng tốt, 3 tháng cho thu hoạch một lần. Sản phẩm thu một lứa là toàn bộ thân cây từ gốc đến ngọn. Sau 3 năm sẽ thu toàn bộ thân cây từ rễ, sau đó trồng mới. Cà gai leo sau khi phơi khô sẽ được thu mua tận nơi với giá 30 nghìn đồng/kg loại 1.
Xã Lìa nói riêng và vùng Lìa huyện Hướng Hóa nói chung là nơi thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán. Vì vậy, những năm qua chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp tích cực vừa chống hạn vừa giúp người dân lựa chọn cây trồng phù hợp để chuyển đổi, đảm bảo có thu nhập ổn định, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững. Trong đó, việc triển khai thí điểm mô hình trồng cà gai leo ở xã Lìa đã tạo cơ hội cho người dân nơi đây được tham gia phát triển sản xuất, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, yên tâm vì có đầu ra cho sản phẩm ổn định; làm phong phú loại cây trồng, mô hình kinh tế ở địa phương.
Bí thư Đảng ủy xã Lìa Hồ A Dược cho biết: “Mô hình cà gai leo ở xã bước đầu rất khả quan. So với các niên vụ trồng sắn trước đây thì hiệu quả kinh tế của cây cà gai leo cao gấp rất nhiều lần, vì trồng sắn lâu năm đã dần kém hiệu quả do đất bạc màu. Hiện nay, nhiều hộ dân có nguyện vọng được tham gia mô hình này nên xã tiếp tục vận động thực hiện chuyển đổi cây trồng, trong đó ưu tiên cây cà gai leo. Cần tập trung chuyển đổi các diện tích sắn lâu năm, kém hiệu quả và các diện tích tràm đã thu hoạch. Trên cơ sở xã liên doanh liên kết với doanh nghiệp, sản phẩm cà gai leo ổn định được đầu ra nên người dân cũng yên tâm để nhân rộng mô hình”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)