Quảng Trị được biết đến là nơi có nhiều bãi biển đẹp và thu hút khách du lịch. Những năm qua, lĩnh vực du lịch biển đảo tại địa phương đã có nhiều nét khởi sắc. Tuy nhiên, nhìn nhận lại thì hoạt động quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các bãi tắm dịch vụ trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Tính đến nay, Quảng Trị có 6 bãi tắm được công nhận đủ tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động đối với một bãi tắm du lịch, đó là các bãi tắm: Cửa Việt, Gio Hải, Trung Giang của huyện Gio Linh, Cửa Tùng, Vĩnh Thái của huyện Vĩnh Linh và bãi tắm Mỹ Thủy của huyện Hải Lăng. Nhìn chung, những năm gần đây, các hạng mục công trình cơ sở vật chất ở các bãi tắm đều được các cơ sở kinh doanh bãi tắm đầu tư, nâng cấp, dịch vụ cũng ngày càng đa dạng hơn. Từ đó phần nào đã đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động quản lý, khai thác các hạng mục đầu tư ở các bãi tắm vẫn còn nhiều bất cập. Tại bãi biển Cửa Việt, huyện Gio Linh, vào năm 2014, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư khoảng 1,5 tỉ đồng để xây dựng công trình phục vụ du khách tắm nước ngọt, nhà vệ sinh công cộng ở bãi tắm có diện tích gần 70m2. Nhưng, vì trước đó, khi quy hoạch xây dựng bãi tắm, chính quyền địa phương đã phân lô, giao hết đất cho các hộ dân kinh doanh dịch vụ nên công trình này không được xây ở trung tâm bãi tắm mà được đặt ở phía Bắc, cách xa trung tâm bãi tắm vài trăm mét. Vì cách xa trung tâm bãi tắm nên sau khi hoàn thành, công trình nhà vệ sinh, tắm nước ngọt công cộng này không đáp ứng được nhu cầu của du khách. Không lâu sau đó, công trình bị bỏ hoang và đóng cửa cho đến nay.
Không chỉ công trình nhà vệ sinh công cộng bị bỏ hoang, ngay trước mặt bãi tắm Cửa Việt là phần quảng trường được thiết kế với mục đích là tổ chức các hoạt động lễ hội phục vụ du khách cũng chưa phát huy hết công năng của nó. Thực tế, để níu chân du khách đến với bãi biển về lâu dài thì không chỉ cần bờ biển đẹp mà còn phải có nhiều hoạt động đi kèm. Nhưng ở bãi tắm Cửa Việt nói riêng và nhiều bãi tắm trên địa bàn tỉnh nói chung, du khách đến đây ngoài hoạt động tắm biển và thưởng thức hải sản ra thì còn lại chưa có thêm loại hình dịch vụ nào hấp dẫn họ. Sự thiếu đa dạng, không có sản phẩm đặc thù khiến tỷ lệ khách nội tỉnh vẫn chiếm phần lớn trong lượng khách du lịch đến với các bãi tắm trên địa bàn tỉnh mỗi năm. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thế thao và Du lịch tỉnh cho rằng: “Để khai thác có hiệu quả những hạng mục này thì phải phát triển các hoạt động dịch vụ theo nhiều hình thức khác nhau như cho thuê kinh doanh hoặc hợp tác phát triển. Đặc biệt, trong thời hậu COVID - 19 thì ta có thể sử dụng những sân bãi này để tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao nhằm đa dạng hóa các hoạt động du lịch để kích cầu du lịch”.
Trước thực tế du khách về bãi tắm Cửa Việt rất đông vào những ngày cuối tuần, tăng đột biến vào những ngày nghỉ lễ, thị trấn Cửa Việt đã triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn, cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay hoạt động của Ban quản lý ( BQL) bãi tắm không ổn định, thiếu tính chuyên nghiệp. Hầu hết, các thành viên trong ban quản lý không có chuyên môn nghiệp vụ, chưa qua đào tạo. Cũng vì lí do này mà công tác bảo đảm an toàn, cứu hộ cứu nạn trên biển chưa thực sự hiệu quả. Như đã đề cập ở trên, vì ban đầu, chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch, phân lô, thửa đã giao hết diện tích đất ở trung tâm bãi tắm cho người dân thuê kinh doanh dịch vụ nên không còn chỗ trống để xây dựng nhà điều hành.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, Trưởng Ban Quản lý bãi tắm Cửa Việt huyện Gio Linh kiến nghị: “Thực tế qua hơn 21 năm hoạt động đến nay Ban Quản lý bãi tắm không có nhà điều hành, mà nhà vệ sinh cộng đồng thì bỏ hoang, do vậy đề nghị các cơ quan hữu quan có sự đầu tư sát đúng, cụ thể để sửa chữa thành nhà điều hành cho BQL hoạt động. Có nhà điều hành thì các hoạt động liên quan khác của BQL mới trở nên thuận lợi và chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện có những lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cứu hộ cứu nạn cũng như nghiệp vụ kinh doanh cho các cơ sở dịch vụ”
Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn tại các bãi tắm, đầu tháng 5 vừa qua tại bãi tắm Trung Giang, huyện Gio Linh đã xảy ra 1 vụ đuối nước làm 2 người thiệt mạng. Mặc dù đã quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn cho du khách khi đi tắm biển nhưng lực lượng cứu hộ cứu nạn ở bãi tắm này hiện chỉ có 4 người nên không thể kiểm soát hết bãi tắm. Bên cạnh đó, nhiều du khách chủ quan không không dùng áo phao khi tắm. Nhiều người khác bơi ra xa, vượt qua phao cảnh báo nguy hiểm. Ông Nguyễn Văn Na, Tổ trưởng Tổ Quản lý bãi tắm xã Trung Giang , huyện Gio Linh nói: “BQL đã có động viên và đặt ra các nội quy, tuy nhiên một số du khách vẫn cố tình không chấp hành nội quy. Ngoài ra chính lực lượng cứu hộ cứu nạn tại đây cũng “mỏng” nên cũng còn những khó khăn nhất định.”
Trong năm 2019 và những tháng đầu năm nay, trên các bãi biển ở tỉnh Quảng Trị đã có 6 trường hợp du khách bị đuối nước. Thời điểm này là mùa cao điểm tắm biển và du lịch biển. Do vậy, công tác cứu hộ, cứu nạn là một trong những vấn đề cần được quan tâm và tăng cường để giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Trước những hạn chế, bất cập trong quản lý, khai thác và sử dụng các bãi tắm dịch vụ, hiện nay, UBND tỉnh đã phân cấp quyền quản lý về cho các huyện thay về các xã, thị trấn như trước đây. Sự thay đổi này được kỳ vọng là sẽ hướng đến tính chuyên nghiệp, quy củ hơn trong vấn đề khai thác tối đa hiệu quả các bãi tắm dịch vụ trên địa bàn.
Ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết: “Hiện nay tỉnh cũng đã có quy hoạch và sắp tới chúng tôi cũng sẽ có góp ý về việc bố trí các hạng mục tại các bãi tắm du lịch sao cho phù hợp và khắc phục những nhược điểm như hiện nay.”
Tốc độ tăng trưởng khá của ngành du lịch biển Quảng Trị những năm qua là không thể phủ nhận. Song, kết quả về lượng khách hay doanh thu hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Đồng thời, kết quả này có một phần tác động từ môi trường du lịch, bên cạnh chất lượng và số lượng các dịch vụ du lịch vẫn còn hạn chế; công tác quy hoạch và quản lý thực hiện các quy hoạch còn bất cập, đã khiến cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại một số bãi tắm chưa đồng bộ hoặc chưa phát huy hiệu quả như hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung, nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch...
Đề cập đến những giải pháp lâu dài để phát triển du lịch tại các bãi tắm trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh cho rằng: “Phải phát triển mạnh du lịch cộng đồng trong thời gian tới. Trong đó chú trọng đến tính an toàn là trên hết, khắc phục tình trạng chặt chém giá cả, đảm bảo vệ sinh môi trường. Sắp tới Quảng Trị sẽ phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về phát triển các dự án tại các bãi tắm du lịch ở hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh về xây dựng cơ sở hạ tầng, thu gom rác thải, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ. Kỳ vọng là sẽ góp phần thay đổi được những thực trạng, khó khăn như hiện nay.”
Quảng Trị đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự, thân thiện và mang đậm bản sắc quê hương. Trong đó, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển đảo bên cạnh các sản phẩm có thế mạnh là du lịch tâm linh và du lịch sinh thái cộng đồng. Muốn vậy, việc ưu tiên cho công tác xây dựng cơ sở hạ tầng hợp lý, đa dạng các loại hình dịch vụ, đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp kết hợp với bảo vệ môi trường tại các bãi biển là giải pháp cơ bản và quan trọng, nhằm thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư đến với lĩnh vực du lịch này.
(Nguồn: QRTV)