Vùng Cùa gồm 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa thuộc huyện Cam Lộ (Quảng Trị), là nơi triều đình phong kiến nhà Nguyễn chọn xây dựng “kinh đô kháng chiến” thành Tân Sở để phòng bị cho kinh thành Huế khi thất thủ; nơi ghi dấu ấn lịch sử vị vua yêu nước trẻ tuổi Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương hiệu triệu văn thân, sĩ phu yêu nước toàn quốc đứng lên phò vua đánh đuổi giặc Pháp xâm lược cách đây 135 năm, ngày 13/7/1885. Như mạch nguồn cách mạng chảy mãi, dấu ấn lịch sử và hồn thiêng sông núi tụ nghĩa từ “kinh đô kháng chiến” thành Tân Sở hun đúc nên khí chất người Cam Lộ nói chung và vùng Cùa nói riêng luôn trung dũng kiên cường đánh giặc cứu nước, đi đầu trong xây dựng quê hương.
Lần giở những trang sử vẻ vang đấu tranh cách mạng, mặc dù “kinh đô kháng chiến” của vua Hàm Nghi tồn tại không dài, nhưng Dụ Cần Vương và tên tuổi nhà vua yêu nước Hàm Nghi gắn liền với thành Tân Sở trở thành “trung tâm dấy nghĩa Cần Vương” khởi phát ở Quảng Trị đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước và lan rộng khắp mọi miền đất nước, mở đầu cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kể từ khi thất thủ kinh đô đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp sau năm 1945, với lợi thế địa hình xung quanh được bao bọc bởi núi rừng hiểm trở, lại giáp với đồng bằng có thế công - thủ toàn diện, vùng Cùa được chọn làm chiến khu cách mạng của huyện Cam Lộ và tỉnh Quảng Trị. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân địch cho xây dựng nơi đây thành khu tập trung, dồn dân lập ấp chiến lược để kìm kẹp, cai quản. Nhưng với tinh thần cách mạng kiên cường, Nhân dân vùng Cùa đã nổi dậy diệt ác, phá kìm, tổ chức cuộc đồng khởi Cùa tháng 7/1964 thắng lợi, mở ra vùng giải phóng thuận lợi làm bàn đạp để các lực lượng của ta tiếp tục tiến công giải phóng huyện Cam Lộ và tỉnh Quảng Trị năm 1972, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Trở lại vùng Cùa, đi trên con đường thảm nhựa êm thuận như dải lụa mềm khoảng 7 km từ trung tâm huyện Cam Lộ về phía Tây Nam vắt qua các ngọn đồi đến bình nguyên đất đỏ ba dan cây trái trù mật ngút tầm mắt, chúng tôi càng cảm nhận rõ sự đổi thay diệu kỳ của vùng đất này dựng xây sau hòa bình. Trước đây, đường Cùa đất đỏ trơn trượt và lầy lội về mùa mưa, đèo Cùa quanh co khó đi, nên vùng Cùa như biệt lập, cách trở với bên ngoài. Giờ thì tất cả đường đi lối lại ở vùng Cùa đều được thảm nhựa hoặc bê tông hóa sạch đẹp, giao thương hàng hóa thuận lợi làm cho miền đất giàu tiềm năng này thêm sức sống mới, gọi mời thu hút đầu tư và lập nghiệp. Toàn vùng Cùa có gần 2.000 ha cây cao su đã thu hút được nhà máy chế biến mủ cao su đầu tư tại địa bàn công suất 5.000 tấn sản phẩm/ năm, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đặc sản tiêu Cùa nổi tiếng với diện tích gần 300 ha đã được doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu tiêu Cùa đạt giải thưởng “Chất lượng quốc tế thế kỷ, hạng vàng”.
Gà Cùa “ngày ăn mối, tối ngủ cây” thịt săn chắc và thơm ngon nổi tiếng đang được chính quyền đầu tư xây dựng thương hiệu theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP để cạnh tranh trên thị trường. Phát huy tiềm năng nguyên liệu sẵn có, người dân vùng Cùa đã tìm tòi sản xuất thành công các loại cao dược liệu và xây dựng thương hiệu sản phẩm để bán ra thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá trị kinh tế cao… Bên cạnh đó, nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại vùng gò đồi đất đỏ ba dan được người dân đầu tư khai thác hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của vùng Cùa lên trên 40 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn huyện. Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vùng Cùa đã có bước phát triển mạnh về mọi mặt. Hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được Nhà nước và Nhân dân đầu tư xây dựng đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; giá trị văn hóa nông thôn mới được xây dựng với nhiều nét tiến bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân cải thiện rõ rệt. Cả hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa đều đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Cam Chính được UBND tỉnh công nhận là một trong ba xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhưng vùng Cùa không chỉ có thế. Giá trị cốt lõi của vùng đất anh hùng, nơi tụ nghĩa phong trào yêu nước của các bậc tiền nhân hun đúc cho vùng Cùa nét riêng không lẫn vào đâu được, đó là dấu ấn lịch sử và hồn thiêng sông núi luôn chảy mãi trong lòng Nhân dân. Đi trên các làng quê nông thôn mới hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa của vùng Cùa, cảm nhận ý thức chung sức kiến tạo xây dựng quê hương của người dân ở đây rất cao, làm cho miền quê trở nên thật sự đáng sống. Điều trân quý là Đảng bộ và Nhân dân hai xã vùng Cùa nói riêng và huyện Cam Lộ nói chung luôn tự hào với truyền thống vùng đất “kinh đô kháng chiến” thành Tân Sở, ra sức phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng với công lao của các bậc tiền nhân. Sau nhiều năm ấp ủ thực hiện, trong dịp kỷ niệm 135 năm ngày vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương 13/7 (1885 - 2020), huyện Cam Lộ đã tổ chức khánh thành công trình Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương; rước long vị, bài vị của vua và các phụ chính đại thần, tướng sĩ về thờ trong ngôi đền bên di tích lịch sử cấp quốc gia thành Tân Sở ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, với mong muốn trên mảnh đất quê hương có một nơi quy tụ hồn thiêng các bậc tiền nhân có công với đất nước, đồng thời để tri ân và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
“Hiện nay, huyện Cam Lộ đang huy động đầu tư xây dựng công trình Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương giai đoạn 2, gắn với phát triển du lịch tâm linh nguồn cội, trải nghiệm nông thôn mới và dịch vụ ẩm thực đặc sản của vùng Cùa như gà Cùa, tiêu Cùa…; từ đó xây dựng thương hiệu vùng đất Cam Lộ anh hùng là “kinh đô kháng chiến”, vùng đất thờ vua đánh giặc, đang vươn lên xây dựng nông thôn mới trở thành những miền quê yên bình, đáng sống”, Bí thư Huyện ủy Cam Lộ Đào Mạnh Hùng cho biết.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)