Trong tâm thức của mỗi người Việt, Tết Nguyên Đán là Tết đoàn viên, dịp tạm gác mọi công việc để cùng gia đình sum vầy, vun đắp tình yêu thương.
Thế nhưng đối với chị Trần Thị Nguyệt ở Khu phố 9, thị trấn Hồ Xá, người có 27 năm làm nhiệm vụ quản trang và thêm gần 10 năm tự nguyện gắn bó với Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh, đây còn là khoảng thời gian đặc biệt trong nổ lực mang không khí ấm áp của Tết cổ truyền đến với “gia đình lớn”, nơi có trên 5.600 “người thân” ở khắp mọi miền đất nước đang an nghĩ.
9 cái Tết tự nguyện chăm lo cho “gia đình lớn”
Chúng tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh vào những ngày cuối cùng chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020. Một người phụ nữ dong dỏng cao, gầy với gương mặt hiền lành, phúc hậu đón chúng tôi. Vừa pha trà, chị vừa niềm nở: Trà này được gửi từ tận Thái Nguyên vào biếu, bao nhiêu tình cảm, lời động viên từ khắp nơi gửi về, đặc biệt vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần. Có lẽ những tình cảm sâu sắc mà thân nhân gia đình liệt sĩ dành cho chị Nguyệt cũng là điều dễ hiểu bởi từ trong sâu thẳm chị đã xem các anh hùng liệt sĩ ở đây như người thân trong gia đình, tận tâm chăm sóc gần cả cuộc đời mình.
Chị Trần Thị Nguyệt sinh năm 1959. Năm 1978, khi vừa tròn 19 tuổi, chị tình nguyện nhập ngũ tham gia vào lực lượng Bộ đội làm nhiệm vụ trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Năm 1981, chị trở về quê nhà tại xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh. 2 năm sau, năm 1983, chị Nguyệt nhận công tác tại Phòng LĐTB&XH, được giao đảm trách chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, trở thành người quản trang đầu tiên tại Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh. Ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng, chị Nguyệt ngày ngày âm thầm, tận tụy với công việc quản lí và chăm sóc nghĩa trang. Trải qua 27 năm công tác miệt mài, vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn không thể nói hết bằng lời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm 2010, chị được về nghỉ hưu theo chế độ. Gắn bó với nghĩa trang từ những ngày đầu khi tuổi đời còn trẻ, hiểu hết tính chất, khối lượng công việc rất nhiều trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác quản trang còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm nên chị Nguyệt luôn hết lòng động viên, hỗ trợ lớp cán bộ quản trang kế nhiệm. Dù đang công tác hay đã nghĩ hưu, bản thân chị Nguyệt chưa bao giờ nghĩ tới sẽ có ngày rời xa nơi này. Một ngày, hai ngày, cứ thế đã 9 năm nay kể từ ngày nghỉ hưu nhưng không hôm nào chị Nguyệt vắng mặt ở nghĩa trang. Cảm thấy có trách nhiệm gắn bó với công việc, chị Nguyệt tự mình trong nom, hương khói cho mái nhà chung của các anh hùng liệt sĩ mà không có bất kì yêu cầu hay đòi hỏi gì về quyền lợi cho bản thân.Ngày thường chị Nguyệt tham gia chăm sóc nghĩa trang, trồng mới, cắt tỉa cây xanh, lau chùi, quét dọn sạch sẽ các hạng mục trong khuôn viên, hương khói cho các phần mộ. Mùa mưa công việc nặng nhọc hơn do có nhiều cây xanh, cỏ cũng mọc nhanh, chị cùng cán bộ quản trang phải làm việc liên tục từ sáng sớm mới đảm bảo khuôn viên luôn xanh, sạch đẹp, tôn nghiêm, xứng đáng với nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các anh hùng liệt sĩ. Vất vả hơn cả có lẽ vào dịp lễ, Tết Nguyên Đán như thế này. Nghĩa trang thường đón một lượng lớn các đoàn khách, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, nhân dân các tỉnh thành trong nước và cả du khách nước ngoài đến tham quan, dâng hương, dâng hoa bày tỏ tấm lòng tri ân. Trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt khách đến viếng, chị Nguyệt cùng cán bộ quản trang phải làm việc hết công suất, vừa làm công tác bảo vệ, đảm trách các phần việc vừa hướng dẫn các đoàn thăm viếng. Đặc biệt nhất vào chính ngày cuối cùng của năm cũ, ngày 30 Tết. Chị Nguyệt cho biết từ chiều 30 thân nhân liệt sĩ đến phúng viếng rất đông bởi theo quan niệm đây là khoảng khắc giao thoa giữa trời và đất, giữa năm cũ và năm mới nên hết sức thiêng liêng.
Viếng nghĩa trang liệt sĩ trong thời gian này trở thành nét đẹp tâm linh của bao người. Và không khí ngày cuối cùng của năm cũ thường làm sống dậy những yêu thương, gắn kết mọi người lại với nhau cũng như kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa cái thực và cái hư vô trong một không gian vô cùng linh thiêng, đậm chất huyền hoặc. Chị Nguyệt xem hương hồn các anh hùng liệt sĩ như chính ruột thịt, gia đình lớn của mình. Vì vậy sau khi hoàn thành các phần việc, chị lại cùng cán bộ quản trang tự tay chuẩn bị lễ cúng tất niên cho các anh hùng liệt sĩ. Mâm lễ bao giờ cũng đầy đủ các sản vật ngày tết với mứt, trái cây, bánh, hương hoa như ở gia đình để tỏ lòng tôn kính, thể hiện đạo lí uống nước nhớ nguồn từ xa xưa của cả dân tộc. Cái tâm của chị Nguyệt không chỉ dừng lại ở việc làm lễ cúng tất niên mà đến tận đêm 30, khi hàng triệu gia đình đang sum vầy trong thời khắc hân hoan đón chào năm mới, chị Nguyệt lại lặng lẽ đến khu vực tượng đài trung tâm rồi qua từng phần mộ liệt sĩ để dâng hương dâng hoa bày tỏ tấm lòng thành. Chị Nguyệt chia sẻ: “Theo phong tục tập quán của dân tộc ta, trong đêm giao thừa trên bàn thờ ông bà tổ tiên luôn nghi ngút khói hương thể hiện sự biết ơn, đạo hiếu của con cháu dành cho những người đã khuất. Đêm giao thừa cũng là thời điểm mỗi người cần hơi ấm gia đình nhất, thế nhưng phần lớn liệt sĩ ở đây, thân nhân ở mãi tận Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh… làm sao đến được. Mình ở gần kề, mình hương khói thay thân nhân các bác, các cô, các anh trong dịp Tết để mọi người đều có thể an lòng”. Khi đồng hồ điểm qua ngày đầu tiên của năm mới, chị Nguyệt mới yên tâm trở về lo cho ngôi nhà nhỏ của mình và tranh thủ nghỉ ngơi vài giờ đồng hồ ít ỏi trước khi quay trở lại nghĩa trang kịp chuẩn bị đón các đoàn khách đến viếng vào ngày hôm sau.
Mong đón nhiều cái Tết giữa chốn linh thiêng này…
Đang trò chuyện cùng chúng tôi, chị Nguyệt bảo đã đến giờ chị lên phần mộ làm lễ cúng. Chị Nguyệt cho biết hôm nay là lễ giỗ của liệt sĩ Nguyễn Kim Thành, quê ở Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, hi sinh ngày 19/11/1967. Vì người thân của liệt sĩ bận việc đột xuất không thể trực tiếp vào nên đã nhờ chị đứng ra làm lễ. Thấy các phần hương hoa, lễ vật đã được chuẩn bị sẵn sàng, chu đáo, chúng tôi cùng phụ chị Nguyệt mang lên mộ phần. Đợi chị hoàn tất mọi việc, chúng tôi theo chân chị Nguyệt đi thắp hương một vòng lớn quanh nghĩa trang, mỗi lần đi qua những ngôi mộ vô danh, chị Nguyệt đều nán lại một lúc lâu. Chị tâm sự sau bao nhiêu năm làm quản trang, trong chị vẫn luôn canh cánh bởi trong số trên 5.600 ngôi mộ của các anh hùng liệt sĩ thuộc 41 tỉnh thành cả nước hiện đang yên nghỉ tại nghĩa trang thì có đến 2.026 ngôi mộ chưa biết tên, chị cảm giác vẫn phải để các anh, các chị chịu nhiều thiệt thòi. Càng nghĩ vậy chị Nguyệt càng ra sức chăm lo, hương khói cho những phần mộ đặc biệt này. Với tổng diện tích 6ha, Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh hiện là nghĩa trang lớn thứ 3 trong tỉnh. Để có thể chăm sóc chu đáo toàn khu vực nghĩa trang như từ trước đến nay, trung bình mỗi ngày chị Nguyệt đi bộ đến hàng chục km. Làm việc lâu năm, chị Nguyệt nắm rõ sơ đồ, vị trí từng khu mộ, phần mộ, chính vì vậy chị luôn tận tình giúp đỡ, hướng dẫn mỗi khi thân nhân, gia đình liệt sĩ hay các đoàn đến viếng, tìm mộ liệt sĩ. Để tiện cho gia đình các thân nhân liệt sĩ ở xa, kể cả đến nghĩa trang lúc nửa đêm hay sáng sớm cũng có thể gặp cán bộ quản trang, trước đây chị Nguyệt ở lại hẳn trong căn phòng tập thể, trực quản trang 24/24h. Sự tận tâm của chị Nguyệt đã góp phần giảm bớt những khó khăn, giúp thân nhân các anh hùng liệt sĩ thêm phần an tâm khi đến thăm viếng hay tìm kiếm, cất bóc hài cốt liệt sĩ. Nhờ chị Nguyệt đã có bao gia đình trên khắp cả nước tìm thấy con em mình đang yên nghĩ tại đây. Chị Nguyệt tâm sự, đó chính là niềm hạnh phúc của chị, hạnh phúc như khi thấy người thân của mình được đoàn tụ, sum họp bên gia đình.
Chúng tôi đặt câu hỏi khi tuổi ngày một cao, sức khỏe cũng sẽ yếu dần, chị định bao giờ cho phép bản thân nghỉ ngơi, chị Nguyệt cười hiền: “Đúng là công việc ở nghĩa trang vất vả, nhưng mình tự nguyện tiếp tục công việc ở đây xuất phát từ tình cảm, nghĩa tình đồng chí, đồng đội nên còn sức khỏe sẽ còn gắn bó với nơi này. Đã từng tham gia chiến đấu, từng khoác lên mình tấm áo lính, mình may mắn sống sót, được chứng kiến đất nước đổi thay từng ngày, vậy đã may mắn lắm rồi. Còn các anh hùng liệt sĩ ở đây đã ngoan cường chiến đấu và anh dũng hi sinh, có người ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Mình quyết định ngày ngày làm bạn cùng mọi người, hi vọng có thể dùng chút tâm sức chăm sóc, nhang khói cho từng phần mộ để vừa làm ấm lòng hương hồn các anh hùng liệt sĩ, đồng thời xoa dịu phần nào mất mát, làm an lòng thân nhân các gia đình có con em đã ngã xuống vì độc lập tự do cho Tổ quốc và đang nằm lại trên quê hương thứ hai, mãnh đất Vĩnh Linh lũy thép anh hùng”.
Một mùa xuân nữa lại về và cũng là cái Tết thứ 10 chị Nguyệt tự nguyện gắn bó bên những người đồng chí, đồng đội đã khuất. Dù ngoài kia nhịp sống đang tất bật, hối hả nhưng giữa chốn linh thiêng ấy, thời gian như ngưng đọng. Sắc màu của cuộc sống cũng có thể vì thế mà thêm phần tươi mới, lung linh bởi hạnh phúc đôi khi đến từ những điều vô cùng dung dị, giản đơn. Trên những con đường rợp bóng cờ hoa tấp nập người cùng phương tiện qua lại để du xuân đón Tết, trong nghĩa trang liệt sĩ khói hương nghi ngút, sừng sững dòng chữ tạc vào nền trời xanh thẳm: Tổ quốc ghi công!
(Nguồn: Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh)