Cây roi của vợ và trả nợ… tình bằng tranh

Đoàn Phương Nam |

2 năm bán gần 400 bức tranh với giá trung bình dao động từ 5-10 triệu/bức cũng là câu chuyện đáng chú ý của một họa sĩ ở tỉnh nhỏ, chưa từng có triển lãm cá nhân hay phòng tranh riêng ở các thành phố lớn để giới thiệu, quảng bá tác phẩm của mình. Người viết nên câu chuyện riêng cho làng mỹ thuật Quảng Trị chính là họa sĩ Trương Đình Dung - gương mặt thân quen của giới hội họa trên… mạng xã hội.

 Những đêm khi mặt trời đi ngủ phía sau ngọn núi, họ lại tìm nhau qua những giai điệu gọi tình… Cứ thế, lần lượt những  câu chuyện kể bằng tranh về đại ngàn Trường Sơn, về xóm làng, thôn quê Quảng Trị, Huế được trình làng qua facebook.
 
 Họa sĩ Trương Đình Dung bên tác phẩm “Lòng đất sinh tồn” (acrylic) đoạt giải B (không có giải A) triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc Miền Trung (năm 2018).

Cũng nhanh như quá trình sáng tác, tranh chưa khô màu vẽ đã có người đặt mua. Người mua phần lớn là các nhà sưu tập hoặc người yêu tranh ở Hà Nội, Sài Gòn. Bên cạnh khả năng “sống được” bằng chính tác phẩm của mình, sức sáng tạo của Trương Đình Dung khiến mỹ thuật miền Trung kinh ngạc. Có họa sĩ đã ví von, “xếp” anh vào nhóm làm tươi mới trí tuệ và vẻ đẹp tâm hồn như: Nguyễn Bảo Châu, Thùy Nhiên Trương Hà, Nguyễn Ngọc An, Khải Phạm…

Tác phẩm “Hòa tấu” (acrylic) 100-140.
Tác phẩm “Hòa tấu” (acrylic) 100-140.

“Trong mỗi bức tranh đều có câu chuyện riêng. Khi câu chuyện đó chạm vào cảm xúc, ký ức của người xem, họ sẽ mua, cho dù họ không giàu hoặc không đủ điều kiện” - họa sĩ Trương Đình Dung chia sẻ. Người inbox mua tranh đầu tiên của anh là người Quảng Trị vào Sài Gòn lập nghiệp và thành đạt. Chưa quen biết, ngó thấy tranh trên facebook và quyết định chuyển tiền vì bức tranh chạm vào được cảm xúc sâu thẳm bên trong của người xa quê nhớ xứ sở. Cũng một trường hợp mua tranh khác khá ấn tượng đối với 3 bức tranh có chủ đề về Tây Nguyên. Khách hàng inbox hỏi giá và rụt rè bảo rằng khả năng chỉ đủ mua 1 bức (tương đương 1 tháng lương của họ). Họa sĩ khẳng khái bảo: “Tôi không bao giờ phá giá tranh của mình nhé. Tôi chỉ bán cho anh đúng 1 bức. Còn 2 bức kia, tôi… tặng anh treo ở phòng khách cho đủ bộ”.

Trương Đình Dung tạm chia thời gian sáng tác của mình ra làm 2 giai đoạn: giai đoạn trước facebook và sau facebook. Bởi đó là khi anh đủ dũng cảm đăng tranh của mình lên mạng xã hội với mong muốn nhận được những lời góp ý, nhận xét từ bạn bè, đồng nghiệp mọi nơi. Ở môi trường tỉnh nhỏ rất ít tương tác mà nếu muốn đi thì cũng không có tiền làm lộ phí. Khoảng cách giữa 2 thế hệ họa sĩ quá xa và lỏng lẻo trong sự liên kết với nhau. Chính anh không ngờ, khi vượt qua được sự sợ hãi của khen chê, dám sống trọn vẹn với tác phẩm của mình trong “cơn bão” ý kiến nhiều chiều bình luận, lại là lúc anh bán được tranh.

Người ta không biết cái gì trong đầu, ở đôi tay để có thể ra đời hàng loạt tác phẩm đẹp trong thời gian siêu ngắn như thế. Có khi là 13h trưa, có khi 3h sáng, đều đặn mỗi ngày có một tác phẩm bởi với anh “người nghệ sĩ không có tác phẩm, không có công chúng đón nhận coi như người đó… không sống. Tác phẩm không  đến với công chúng, không được tương tác với đồng nghiệp, coi như tác phẩm đã chết”. Năm 2019, có thời điểm anh bị gãy tay gần 2 tháng mới lành. Những ngày đầu tiên như cực hình tra tấn vì không vẽ được. Đến ngày thứ 20, anh quyết định nén đau, căng tranh ra và vẽ bằng tay… trái. Cái tay trái chưa vẽ bao giờ chống cự chủ nhân ghê gớm, anh quyết định lấy “cây roi” của vợ hay dùng để răn dạy con ra để chấm đường nét, trải màu… Mọi thứ dần dần hiện ra mới lạ và độc đáo. 20 bức tranh vẽ bằng tay trái ấy lần lượt được nhà sưu tập mua hết chỉ sau khi đăng lên facebook cá nhân chưa đến 1 tiếng đồng hồ.

Tác phẩm “Sen” (acrylic) 80-80.
Tác phẩm “Sen” (acrylic) 80-80.

Có thể dễ dàng nhận thấy tranh của Trương Đình Dung là sự pha trộn của sơn mài (chuyên ngành tại Đại học Nghệ thuật Huế), sơn dầu và trường phái thủy mặc (anh học cao học chuyên ngành thủy mặc tại đại học Cát Lâm - Trung Quốc) nên dùng ít cả về màu và đường nét. Anh nói nửa thật nửa đùa rằng nguyên nhân do thiếu tiền mua chất liệu vẽ nhiều năm. Lớp 3 phải lấy trộm son của mẹ (là diễn viên trong đoàn nghệ thuật) để vẽ. Sau đó mê vẽ quá mà cũng không có màu để sáng tác. Kể cả lúc vào đại học, rồi ra trường đi làm chẳng xoay xở được đồng nào mua mua vật liệu để vẽ. Một bức tranh phải xóa đi xóa lại nhiều lần, để anh đúc kết ra điều chiêm nghiệm rằng: “Không có chất liệu quý, chỉ có thể hiện cái gì quý trên chất liệu”. Thế nên, mỗi màu đã dùng là phải “đắt”. Mỗi chấm màu, mỗi nét vẽ thể hiện trong tranh phải có sự sống, kể lên được câu chuyện tự sự của chính nó”.

Chủ đề anh vẽ nhiều nhất vẫn là sen và “nàng ấy” đã “độ” đời anh khi 10 năm liên tục trong “bóng tối” tìm hướng đi và lời đáp cho câu hỏi: “Vì sao tranh của mình chưa chạm được đến trái tim người khác?”. Bức tranh đầu tiên bán được 4 triệu vào năm 2007. Khi đó, anh vẫn tự nhận mình ở trong 10 năm tới loay hoay tìm hướng đi, vật lộn với cơm áo mưu sinh đời thường. Đến năm 2017, bức tranh sen thứ 2 đã khẳng định niềm tin cho sự bứt phá khi được một “người lạ” mua sau khi đăng trên facebook cá nhân.

Nếu ai từng đọc tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung hẳn sẽ nhớ cách giao đấu của các đại cao thủ. Họ chỉ ngồi đó, hình dung các chiêu thức lần lượt tung ra và sau đó đối phương đầu hàng hoặc mình phải bỏ chạy. Cái hay là ở chỗ không cần động thủ. Chiêu xuất trong hư không. Trương Đình Dung cũng thế. Anh ngồi đó, hình dung một bức tranh trong đầu. Căng khung vẽ trong đầu ra,  tưởng tượng từ nhát vẽ đầu tiên đến khi hoàn thành bức tranh. Khi mình chấm màu xanh ở khoảng cách 5m, 10m hoặc 1m thì độ nổi của màu sẽ bật lên tiếng nói gì. Để rồi khi anh bắt đầu cầm bút vẽ, toàn bộ bức tranh hiển lộ ra đầy xúc cảm.

Đối với Trương Đình Dung, nghệ sĩ là phải làm việc chuyên nghiệp. “Tác phẩm phải là thành quả của sự lao động nghiêm túc và chiêm nghiệm cuộc sống sâu sắc”. Anh tìm vẻ đẹp trong sự úa tàn của cọng rơm khô, cỏ úa, mùi toóc rạ bởi chúng sắp được tái sinh một cuộc đời mới tươi đẹp hơn. Có người còn nhận xét rằng, tranh của anh đã chuẩn bị bước sang một cảnh giới khác rồi. Đó là cái mênh mang, man mác, mờ ảo, sương khói của bức tranh thu được phác hoạ trên cái nền của một tâm trạng khát khao tình Đời, tình Người của một người phải trải qua không ít đớn đau, chông chênh. Là sông đêm với ánh trăng lưỡi liềm treo lửng lơ trên mấy ngôi nhà nhỏ khiến người ta có cảm giác rằng từ mái nhà quê ấy, anh bay vút thẳng lên vũ trụ mênh mông và đáp xuống một hành tinh nào đó trong thái dương hệ. Từ đó anh nhìn xuống ngôi nhà quê của mình với cái nhìn da diết, trong trẻo, đầy chất thơ và da diết nhớ. Hay ở bức tranh vẽ những lần đổi xác của bướm đêm. Họa sĩ đã tái hiện được nhịp đập, hơi thở và cảm xúc của bướm khoảnh khắc thay xác, đổi phận chỉ trên giao diện của một mảnh vải nhỏ nhắn.

 

 Từ một cậu bé vẽ bức tranh về hội quê được giải nhì Mỹ thuật của thành phố Huế (năm 1984) tới khi có tranh treo tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (năm 2005), đoạt giải B triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc Miền Trung (năm 2018), anh vẫn luôn tìm tòi trải nghiệm trên nhiều chất liệu sơn mài, sơn dầu. Anh tự nhận mình là người  trả nợ bằng tranh. Có những thứ ân tình mình không thể trả bằng tiền mà phải trả bằng thứ khác. Đó là sự dâng hiến trong sáng tạo, trí tuệ và tài năng của người nghệ sỹ.

Ở tuổi 44, thử sức qua nhiều chủ đề nhưng có một mảng đề tài mà anh chưa chạm đến đó là người phụ nữ dù anh yêu và nợ tình của họ rất nhiều. “Sợ vẽ người này, người kia kiện à?” - tôi hỏi đùa nhưng anh đáp đầy ưu tư. “Vì họ đẹp quá em nhưng thân phận lại nhiều cảm xúc quá. Như mẹ anh, cuộc đời quá vất vả. Anh chưa đủ độ chín để lột tả hết vẻ đẹp của họ, sự u buồn của họ, sự vĩ đại của họ”.

TAGS

"Mùng 1 Tết cha, mùng 3 Tết thầy"

Bảo Trang |

Câu nói dân gian “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam mỗi khi Tết đến, xuân về. 

Khát vọng chinh phục vinh quang của vận động viên thể thao Quảng Trị

Nguyễn Minh Đức |

Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng thể thao Quảng Trị vẫn luôn tự hào khi sản sinh và đào tạo được nhiều vận động viên (VĐV) tài năng thi đấu ấn tượng trong các giải thể thao quốc gia, quốc tế. 

PGS. TS Lê Tiến Dũng, người con Quảng Trị thành danh ở Đà Nẵng

Thanh Trúc |

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở tuổi 32, được công nhận chức danh Phó giáo sư khi 36 tuổi, là trưởng khoa trẻ tuổi nhất của Đại học Bách khoa, đó là PGS. TS Lê Tiến Dũng (sinh năm 1981), Trưởng Khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, một người con của quê hương Quảng Trị.

Hương vị tết đến từ... chợ

Khánh Phụng |

Gần 30 năm gói bánh tét ở chợ Tân Phước (thị trấn  Lao Bảo, Hướng Hoá, Quảng Trị), mệ Nguyễn Thị Trọng (86 tuổi) như một cầu nối mang hương vị Tết đến mọi nhà.

“Chuyến xe 0 đồng” đưa người nghèo về quê

Hà Trang |

Chiều 20/1/2020 (tức 26 tháng Chạp) khi Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đã cận kề, những chuyến xe chở 450 sinh viên và người lao động nghèo thuộc các tỉnh khu vực miền Trung từ Phú Yên đến Quảng Trị đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh bắt đầu khởi hành, giúp nối trọn niềm vui sum họp cho những người con xa quê mong được trở về nhà vui xuân, đón tết cùng gia đình.

Chiến sĩ công an kể phút sinh tử nhường mặt nạ chống độc cho nạn nhân

Quách Du - Xuân Hùng |

Khi tiếp cận hiện trường vụ cháy tòa nhà dầu khí, 2 chiến sĩ công an Thanh Hoá thấy nhiều người bị ngạt khí nên đã nhường mặt nạ chống độc cho các nạn nhân. Sau đó, chính 2 chiến sĩ này bị ngạt khí và may mắn được đồng đội kịp thời ứng cứu

Vì sao Tết Nguyên đán lại dựng cây nêu, treo câu đối đỏ?

Bảo Trang (TH) |

Dựng cây nêu, treo câu đối đỏ ngày tết đã là một truyền thống tốt đẹp của người Việt vào dịp Tết Nguyên đán tự bao đời nay. 

“Gia tài” của Kôn Pruôi

Hoàng Tiến Sỹ |

Buổi chiều nghiêng nắng lên bản Cu Tài 1, xã A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị), không gian tĩnh lặng đến nỗi nghe rõ tiếng mây đang trườn qua núi, ôm lấy bản làng.