Ngôi chùa cổ bên dòng Ô Lâu

Nguyễn Việt Hà |

Làng Câu Nhi nằm ở phía Nam của huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Được bao bọc bởi hai con sông: Ô Lâu từ Huế chảy ra và sông Ô Giang từ Vĩnh Định chảy vào, quanh năm tưới tắm bởi phù sa và nguồn nước của các con sông nên đất đai bãi bồi màu mỡ, ruộng đồng tốt tươi. Mảnh đất này đã sinh ra những danh nhân văn hóa lịch sử để lại tiếng thơm lưu danh sử sách. Đặc biệt, nơi đây còn có một ngôi cổ tự với nhiều câu chuyện kỳ thú...

Lần tìm trong sử sách

Theo các cuốn Ô Châu Cận lục của Dương Văn An và Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn ghi chép lại khi nói về các địa danh trên đất Quảng Trị lúc bấy giờ, đã nhắc đến làng Câu Nhi. Qua đó cho chúng ta biết làng được hình thành từ cuối thời Trần, đầu thời Lê, trong khoảng thời gian từ năm 1407 đến 1427. Lúc sơ khởi làng có tên là Câu Lãm, trung tâm của làng lúc đó ở vùng Đại Đồng sau chuyển đến vùng đất hiện nay và đổi tên thành Câu Nhi.

Chùa Quan khố, làng Câu Nhi
Chùa Quan khố, làng Câu Nhi

Theo lời của các bậc trưởng thượng làng Câu Nhi, ngay sau khi ổn định cuộc sống và thiết lập hương hiệu thì dân làng tiến hành lập đình, chùa, miếu vũ cùng các thiết chế văn hóa của mình. Song hành với đó chùa làng Câu Nhi cũng ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt tâm linh cho người dân. Quan Khố tự hay là Chùa Quan Khố là tên từ khi chùa mới lập, ngôi chùa do chính ông Bùi Dục Tài, Tiến sỹ khai khoa xứ Đàng trong dựng nên, khoảng đầu thế kỷ 16.

Vậy vì sao chùa lại có tên là Quan Khố? Qua lời kể của cụ Bùi Quang Nhị, nguyên Hội chủ làng Câu Nhi và tham khảo một số tài liệu khác nhau, chúng tôi được biết vào lúc mới lập làng bên cạnh thiên nhiên khắc nghiệt của vùng “Ô châu ác địa” người dân xứ này còn phải chống chọi lại quân Minh sang xâm chiếm. Dưới sự chỉ huy của tướng như: Phạm Duyến, Nguyễn Văn Chánh cùng dân binh địa phương, ngày đêm tập luyện võ nghệ, lập ra các kho để chứa lương thực để đánh giặc. Đến thời nhà Lê, sau khi thắng giặc, Tiến sỹ Bùi Dục Tài người làng Câu Nhi đã xin triều đình cho sửa sang lại một trong các kho đó để làm chùa làng, Quan Khố tự ra đời trong hoàn cảnh như thế.

Cụ Bùi Quang Nhị cho biết thêm, trước đây chùa do làng quản lý, kinh phí tế tự ở chùa hàng năm được trích ra từ  5 sào ruộng tam bảo của chùa. Xưa kia ngôi chùa là một ngôi nhà rường cổ của người Việt gồm 3 gian, 2 chái, bố trí theo trục dọc đễ thuận tiện cho việc làm lễ bái Phật. Sau này, ngôi chùa mở rộng khuôn viên, xây dựng thêm hệ thống cổng tam quan bằng gạch và ghép mảnh sành sứ như ta thấy ngày nay. Đến năm 1949 chùa bị quân Pháp đốt cháy chỉ còn lại cổng tam quan, người dân trong làng đóng góp dựng lại ngôi chùa và tiến hành tôn tạo vào các năm 1959, 1985, 1987 và 1989.

Quan Khố tự ngày hôm nay

Có lẽ không nhiều người biết đến cái tên chùa Quan Khố mà chỉ quen gọi Chùa Câu Nhi hay Niệm Phật đường Câu Nhi. Chùa Quan Khố ngày nay tọa lạc theo hướng Đông Nam, ngay ở khu đất đầu làng Câu Nhi, cạnh con đường đi qua các xã lân cận như: Hải Sơn, Hải Tân, Hải Hòa thuộc huyện Hải Lăng. Ở tại khu vực này chùa nằm trong một quần thể tâm linh cổ kính cùng với đình Câu Nhi, miếu văn thánh và nhà thờ một số họ tộc trong làng.

Bên trong chùa Quan Khố, làng Câu Nhi
Bên trong chùa Quan Khố, làng Câu Nhi

Nếu có dịp vào chùa, quan sát thật kỹ chúng ta sẽ thấy Quan Khố tự có lối kiến trúc của một ngôi chùa làng lại vừa mang dáng dấp của Niệm phật đường Phật giáo. Bởi ngôi Niệm phật đường chỉ thờ đức Phật Thích ca ở chính điện. Tuy nhiên hình bóng của ngôi chùa làng cổ xưa vẫn còn in đậm nơi đây, đó là hình thức “ Tiền thờ Phật, hậu thờ Thần”. Bởi phía sau gian chính điện là hậu điện có khá nhiều bài vị thờ Thành hoàng, các vị tiền khai canh, khai khẩn, Thập nhị tôn phái của làng cùng các danh nhân của làng được phụng thờ. Đây là điều đặc biệt mà không nhiều ngôi chùa nào ở Quảng Trị có, có lẽ cũng vì thế, từ ngàn xưa chùa đã gắn bó mật thiết với dân làng Câu Nhi…

Sư cô Thích nữ Thông Tịnh, trụ trì của chùa cho chúng tôi chiêm ngưỡng một bức tượng gỗ tạc đức Phật Thích ca có kích thước chiều cao khoảng 60 cm, ánh lên màu nâu thẩm và có mùi thơm nhẹ. Theo như lời của Sư cô thì pho tượng này tạc bằng gỗ quý, có niên đại hàng trăm năm. Tương truyền trước đây tượng thờ trong một ngôi chùa nhỏ do bà Thứ phi triều Lê, họ Phạm người làng Câu Nhi lập ra, ngôi chùa này cũng ở làng Câu Nhi. Do chiến tranh tàn phá chùa nên làng đã thỉnh pho tượng về tại Chùa Quan Khố.

Có một điều đặc biệt là tại Chùa Quan Khố hiện nay đang lưu giữ một cái chuông bằng đồng gọi là Đại hồng chung, được đúc vào năm 1946. Trên thân chuông có khắc ghi bốn chữ Hán: “ Quan Khố Tự chung”. Sư cô Thông Tịnh cũng cho biết chuông đúc trên khuôn mẫu của chuông cũ đúc năm Cảnh Thịnh ( Mậu Ngọ 1798), chuông này đến nay đã bị thất lạc do chiến tranh tao loạn. Tuy không phải là cổ vật có tuổi đời hàng trăm năm, tuy nhiên với vùng đất Quảng Trị triền miên binh lửa chiến tranh, nhưng người dân nơi đây đã giữ gìn cẩn trọng như thế, đó là một điều trân quý.

Ở khuôn viên của chùa có dấu tích của 4 ngôi miếu, hai ngôi thờ Tả Đông Chinh, một ngôi thờ Ngài Hoàng Bôi, là một vị tướng trung liệt được phong tước hầu thời nhà Mạc; một ngôi thờ Ngài Bùi Dục Tài, vị Tiến sĩ khai khoa xứ Đàng trong, giữ chức Tham tướng triều Lê. Nền móng miếu thờ Tiến sĩ Bùi Dục Tài có diện tích gần 10 m2. Bên cạnh các viên đá tảng chân cột miếu sót lại thì còn một bệ đá hình rùa có kích thước dài 80cm, rộng 59cm. Trên thân rùa bị lõm sâu hình, phần cuối thân rùa bị vát. Theo như các nhà nghiên cứu về văn hóa- lịch sử  Quảng Trị thì đây là rùa cõng bia, tương tự như bia hiện có tại chùa Bình Trung ở xã Gio Châu, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Nhân đây, chúng tôi xin nói thêm về ngôi chùa cổ Bình Trung. Trước kia đây là một ngôi đền của người Chăm, sau này Quan Thượng Thư triều đình Nhà Nguyễn, ngài Trần Đình Ân, người làng Hà Trung từ quan về trí sĩ, ông cho làm ngôi Bình Trung tự trên nền đền đài cũ. Sau khi ông mất, vua cho dựng một miếu thờ, ở trong miếu có một tấm bia bằng đá rùa cõng, trên bia ghi lại công lao và hành trạng của ông.

Đối với chùa Câu Nhi, đáng tiếc rằng qua chiến tranh loạn lạc cho nên tấm bia đá về Tiến sỹ Bùi Dục Tài đã bị thất lạc. Tiến sĩ Bùi Dục Tài  sinh vào năm 1477, mất năm 1518. Ông là một người học rộng tài cao, giúp nhiều cho dân cho nước, làm rạng danh cho quê hương Quảng Trị.

Hiện nay, chùa Quan Khố  nằm trong cụm di tích quốc gia đình làng Câu Nhi, Bộ Văn hóa- Thông tin ( nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận tại Quyết định số 08/2001/ QĐ- VHTT, ngày 13/2/2001. Tuy được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương cũng như nhân dân trong vùng, nhưng hiện chùa cổ Quan Khố đã xuống cấp. Theo quan sát chúng tôi thấy ngôi chánh điện bị thấm dột mái dẫn đến hệ thống gỗ ván, đòn tay, rui lách bị mục. Hệ thống tường bao quanh do xây dựng lâu năm cũng bị thấm, rêu mốc xanh. Nếu không kịp thời sửa chữa sẽ hư hỏng nặng một  di  tích lịch sử văn hóa quốc gia. Cũng được biết vào cuối năm 2019, Trụ trì chùa cùng các cấp ngành địa phương Quảng Trị đề xuất để tôn tạo lại ngôi chùa từ nguồn vốn xã hội hóa. Thiết nghĩ, đây là mong muốn chính đáng, nhưng cần có phương án trùng tu hợp lý, giữ nguyên bản những gì vốn có, đặc biệt là cổng tam quan và kiến trúc độc đáo khác của ngôi chùa.

Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Câu Nhi chứa đựng nhiều câu chuyện đồng hành với lịch sử của đất nước. Chùa Quan Khố là chứng nhân quan trọng trong buổi đầu di dân, lập làng của người Việt để mở mang bờ cõi. Ngôi chùa cũng gắn liền với các danh nhân đã được sử sách ghi nhận công lao với dân với nước. Chúng ta cần tiếp tục quan tâm và giữ gìn những nét đẹp hồn cốt ấy của văn hóa dân tộc.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Làng Tùng Luật - ký ức và ước vọng

Thùy Liên |

Dọc theo tả ngạn sông Minh Lương (nay là Hiền Lương) xuôi về Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) có một ngôi làng trù phú ven sông, ấy là làng Tùng Luật.

Và sỏi đá cũng thành cơm

Minh Hà |

Vừa bước chân đến thôn Tiến Hòa (xã Gio Hòa, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã nghe âm thanh “óng” lên từ đá. Trong cái rét ngọt hòa quyện với ánh nắng hiếm hoi của những ngày cuối đông, tiếng đục đá cứ âm âm cứ thúc giục lòng người. 

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa: Bằng chứng khẳng định chủ quyền Việt Nam

Tùng Lâm |

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã thấm sâu vào lòng người dân mọi miền đất nước như một "bằng chứng sống" về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Câu chuyện sưu tầm trống đồng Trà Lộc 22 năm trước

Hoàng Táo |

Năm 1998, một người đàn ông làm nghề rà tìm phế liệu tìm thấy trên rú cát làng Trà Lộc một cái “nồi đồng”. Câu chuyện nhanh chóng thu hút giới buôn cổ vật đổ về ngôi làng cát nhỏ bé đó. Nhận được thông tin, ngành Văn hóa tỉnh Quảng Trị xác định đây là trống đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn, là cổ vật quý giá.