Cơm cháy

Yên Mã Sơn |

Trong ý niệm của những đứa trẻ thời @, cơm cháy là một món xa lạ. Có khi nó lại là một món ăn tiêu khiển, cũng như khoai luộc, bắp rang… ăn để mà giải trí.

Đã có một thời cái đói bao quanh từng gốc tre, mái nhà. Cơm cháy của nhà nhà là thứ bòn mót dưới đáy nồi khi bụng chưa đầy vì gạo thiếu. Không đến nổi phải như Trạng Nồi nhờ cơm cháy của hàng xóm mà làm nên công danh, sự nghiệp nhưng với gia đình tôi, cơm cháy đã để lại trong ký ức như một vết sẹo. Đó là những miếng cơm cháy chấm nước kho cá ngừ, vừa ăn vừa sợ hết. Ngon lạ!

 
 Ảnh: Ngô Hải Phong

Ngày xưa nhà nhà nấu cơm bằng nồi đồng. Cái nồi bây giờ đã đưa vào viện bảo tàng cả rồi. Ở nông thôn bây giờ tìm nó cũng hiếm như tìm cây đèn mangxong hay chiếc ghiđông đựng nước uống vậy. Tôi nhớ gạo lúc đó “bữa đực, bữa cái” – như cách gọi của người Quảng Trị. Thiếu ăn là cái hiển nhiên của cả làng, riêng gì từng nhà đâu. Mỗi lần mẹ bắc cái nồi đồng lên chiếc bếp nhen bằng lửa rơm khói đèn xì là cả mấy anh em bu quanh. Nghe cơm xôi xùng xục mà thèm. Mùi gạo mới thơm như sữa. Lúc cơm bắt đầu khô nước, mẹ tôi thể nào cũng chắt nửa chén nước cơm, thổi nguội mớm cho thằng út. Đó là thứ sữa duy nhất mà đám trẻ cùng lứa như tôi có được để lớn. Thằng út chắp chắp từng thìa “sữa” thơm lừng còn tôi thì ngồi nuốt nước bọt. Ước chi mình còn nhỏ bằng nó, được mẹ bón sữa non của gạo. Vì cái dạ dày sôi sùng sục và ý nghĩ trẻ con mà tôi có một điều ước rất ngược đời, ngược với mấy anh thanh niên chưa đủ tuổi đi bộ đội, đêm nào ngắm pháo dội ở bên kia sông Thạch Hãn đều mong mình lớn nhanh, đủ tuổi để ra chiến trường. Họ cũng lớn lên bằng nước gạo – sữa cơm, cũng cơm cháy với nước kho cá ngừ cả. Mẹ tôi quả quyết như thế khi thấy bộ đội hành quân qua làng tầng tầng lớp lớp.

 
  Ảnh: Ngô Hải Phong

Cơm cháy mẹ nấu bằng lửa rơm thật tuyệt. Mà phải cơm được nấu bằng nồi đồng mới đúng điệu của nó. Giờ mấy đứa mới lớn bảo đi ăn cơm cháy ở nhà hàng hay lâu lâu thích miếng cơm cháy dưới đáy soong thì đó là thứ cơm thời cơ chế thị trường hay cơm cháy công nghiệp rồi. Nhưng ai lại ngồi với nhau mà ước một miếng cơm cháy thời bao cấp thì đúng là người hoài cổ.

Nhắc đến cơm cháy lại nhớ đến món cơm tráng. Dân Quảng Trị còn gọi là cơm tra. Món này được mẹ chế biến khi hết thức ăn: Bỏ cơm vào cái nồi đã kho cá hay rim thịt, trộn đều rồi ăn. Cơm từ trắng tinh chuyển sang vàng hươm, trông thật bắt mắt. Đây là món ăn mặn mòi đủ hương đủ vị mà ai cũng thích. Một thời người ta gọi là món của dân nhà nghèo khi đủ gạo mà không mua nổi thức ăn.

Nước chắt gạo, cơm cháy, cơm tráng một thời nuôi lớn nhiều thế hệ chưa biết đến sữa, chưa biết nhà hàng, chưa biết ăn kiểu giải trí mà chỉ lo cho đầy cái bụng - giờ quá hiếm. Đôi lúc muốn chắt nửa chén nước cơm khi cái nồi cơm điện sôi sùng sục, bỏ vào tý muối hoặc đường để uống hoặc bỏ chén cơm trắng vào tráng nồi… nhưng rồi ngại. Tự nhiên thấy mình đi lùi với thời gian vài chục năm, đi lùi với cuộc sống bằng nửa tuổi đời.

 
  Ảnh: Ngô Hải Phong

Rồi đây muốn tìm lại chính mình trong từng “miếng ăn” cũng khó. Những cái nghèo nàn được bỏ đi hết, thay vào đó là sự văn minh, tân tiến mà ngay cả mình đang sống sờ sờ vẫn không hết kinh ngạc, phủ nhận.

Hôm rồi bà nội mình đi ăn giỗ đem về miếng chả giò cho đứa cháu. Bà gói gém trong miếng lá chuối tươm tất. Ai cũng ngạc nhiên thời đại này còn dùng đến lá chuối gói thức ăn.

Khi cuộc sống mọi thứ đều nhân tạo, đến lúc nào đó con người văn minh cần quay lại với tự nhiên. Giản dị như bản chất của nó vậy.

TAGS

Những yêu thương vững bền

Lê Thị Kim Sơ |

Những giọt nước mắt, những bịn rịn, những nỗi buồn không thể nói hết của những tân binh vào mùa nhập ngũ.

Ngọt lành Giêng Hai

Nguyễn Hữu Quý |

Tôi với giêng hai thường bắt đầu bằng những hồi ức khó quên. Những kỉ niệm vui và buồn gắn với làn mưa bụi bay bay, màu nắng non chập chờn trong vòm lá, với tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc...

Đạo đức kinh doanh, nhìn từ một dịch bệnh

Hoài Nam |

Hành động “chặt chém”, tăng giá đối với các sản phẩm được sử dụng để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra của một số nhà thuốc trong cả nước đã được cơ quan chức năng xử lí kịp thời, nghiêm khắc. Tuy nhiên, trong khi cả xã hội gồng mình phòng chống dịch bệnh, việc một số cửa hàng thuốc lợi dụng tình hình để “đục nước béo cò”, ra sức chặt chém người tiêu dùng bằng cách tăng giá mặt hàng khẩu trang từ 20%-50% so với giá bán thông thường ngoài việc thể hiện sự vô trách nhiệm, thờ ơ trước nỗi lo lắng của người dân còn vi phạm đạo đức kinh doanh. Việc làm này khiến dư luận rất bức xúc.

Lòng Chế Lan Viên "từ độ ai qua"?

TUY HÒA |

 Năm 2020, người yêu thơ không thể không nhớ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chế Lan Viên (1920-1989)