Trò chuyện đầu xuân với Lao Động, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink nhắc đến chuyến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn của ông như một biểu tượng của sự hoà giải và khẳng định điều phi thường nhất Việt Nam và Mỹ đã làm được trong 25 năm qua là xây dựng được lòng tin để củng cố mối quan hệ đối tác này.
Trong rất nhiều phát biểu tại Việt Nam, Đại sứ nói rằng Mỹ đầu tư vào sự thành công và thịnh vượng của Việt Nam. Thưa Đại sứ, Mỹ có lợi ích gì khi làm như vậy?
– Tôi nghĩ chính sách đối ngoại của Mỹ được khẳng định dựa trên thực tế rằng chúng tôi có thể trở nên mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn và an toàn hơn khi chúng tôi có các đồng minh đối tác và bạn bè hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập. Và đó là những gì Việt Nam có thể đem lại cho chúng tôi.
Chúng tôi thường nói về “Nước Mỹ trước tiên”, nhưng “trước tiên” không mang nghĩa “một mình”, mà hoàn toàn ngược lại. Trong chính sách đối ngoại của Mỹ, chúng tôi tìm kiếm các đối tác, bạn bè cùng chí hướng. Chúng tôi thúc đẩy hợp tác để thúc đẩy các lợi ích chung. Tôi nghĩ cả Mỹ lẫn Việt Nam đều muốn thấy một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, thịnh vượng, nơi tất cả các quốc gia lớn nhỏ đều tuân theo luật lệ, nước lớn không bắt nạt nước nhỏ. Đó chính là những gì chúng tôi muốn các quốc gia xây dựng cùng nhau, không chỉ Mỹ và Việt Nam, mà là tất cả những đối tác đồng chí hướng.
Đó là lý do vì sao Mỹ có lợi ích khi Việt Nam thành công. Đó là lý do tại sao sứ mệnh của chúng tôi tại Việt Nam chính là hỗ trợ Việt Nam trở nên phồn vinh, thịnh vượng và độc lập, bởi một Việt Nam như vậy sẽ là đối tác tuyệt vời của Mỹ. Từ đó, chúng ta lại cùng nhau thúc đẩy thương mại, an ninh, giao lưu con người. Chúng ta cùng nhau thành công.
Được biết, Đại sứ từng giám sát việc đàm phán 2 tuyên bố chung về quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam? Ông có thể chia sẻ kỷ niệm về quá trình này? Dự cảm của ông về triển vọng nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian tới?
– Đó đều là những kỷ niệm đẹp. Lần đầu tiên tôi có cơ hội hợp tác chặt chẽ với những người bạn Việt Nam là vào năm 2015. Kể từ khi đó, trong gần 5 năm qua, tôi đã rất vinh dự được hỗ trợ các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Mỹ và ngược lại, tất nhiên bao gồm cả chuyến thăm rất thành công của Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam.
Tôi nghĩ, điều tôi nhớ nhất về những trải nghiệm này chính là những tuyên bố chung mà chúng ta đàm phán trong những năm qua, chúng phản ánh mối quan hệ hợp tác giữa hai bên sâu rộng thế nào. Những tuyên bố ấy khá dài nhưng rất chi tiết, mang tính tổng quát và chiến lược về tầm nhìn chung của chúng ta đối với hoà bình và thịnh vượng trong khu vực và cả thế giới.
Thực sự tôi đã có nhiều khoảnh khắc đẹp, phần lớn là những buổi làm việc vất vả thâu đêm với những người bạn và rà soát lại đêm cuối trước khi ký kết để đảm bảo mọi việc đều sẵn sàng. Tuy nhiên trải nghiệm đó thật sự hứng thú và có ý nghĩa bởi chính chúng đã tạo nên mối quan hệ đối tác giữa hai bên. Chúng ta đều muốn làm những gì tốt nhất có thể cho cả hai quốc gia và dân tộc.
Tôi rất tự hào về những tuyên bố chung ấy cũng như những gì hai quốc gia đã đạt được. Đồng thời, bạn biết đấy, tôi rất lạc quan về tương lai của chúng ta. Đây là một trong những quan hệ đối tác quan trọng nhất của chúng tôi trên thế giới, mối quan hệ mang tính chiến lược trong bản chất những gì chúng ta hợp tác cùng nhau. Những gì chúng ta đã làm, đã đạt được là không thể phủ nhận và tôi tự hào về điều đó.
Tháng 8 năm ngoái, Đại sứ đã đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, là lần đầu tiên một Đại sứ Mỹ tới thắp hương cho hơn 1 vạn liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây và thăm cầu Hiền Lương. Việc này có phải là chuyện sớm hay muộn và có ý nghĩa như thế nào trong sự hòa giải?
– Một câu hỏi hay. Đúng vậy, tôi nghĩ đó thật sự là biểu tượng của sự hoà giải. Đầu tiên, tôi muốn nói rằng, chuyến thăm Nghĩa trang Trường Sơn và cầu Hiền Lương là một trong những chuyến đi có ý nghĩa nhất, xúc động và có tác động mạnh mẽ nhất trong sự nghiệp của tôi nói chung và khoảng thời gian tôi ở Việt Nam nói riêng.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta đều muốn cùng nhau đạt được điều gì đó. Trước hết, tôi tham gia chuyến đi với tinh thần hoà giải, tôn trọng lẫn nhau. Chỉ mới gần đây thôi, tôi đã tới thăm Làng Hữu Nghị – nơi giúp đỡ các cựu chiến binh Việt Nam – tất nhiên chúng tôi rất vui lòng được sát cánh, hỗ trợ họ trong công việc. Việc đó có ý nghĩa rất lớn đối với tôi trong việc tôn vinh những người đã ngã xuống. Đó là một trong những mục đích chuyến thăm của tôi.
Tiếp theo, tôi muốn không chỉ tới Nghĩa trang Trường Sơn, mà còn tới cả tỉnh Quảng Trị nói chung, bởi tôi muốn nhấn mạnh những thành tựu to lớn mà Việt Nam và Mỹ đã, đang và sẽ đạt được trong vấn đề nhân đạo cũng như di sản chiến tranh. Tôi tin rằng những gì chúng ta hợp tác trong các lĩnh vực này là minh chứng rõ hơn hết để xây dựng nền tảng lòng tin đó. Chúng ta vẫn đang tích cực cùng nhau tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh của cả hai bên. Chúng tôi cũng đang mở rộng nguồn lực lớn để rà phá bom mìn chưa nổ ở những nơi như Quảng Trị. Chúng ta đã khởi công dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hoà và tiếp tục hỗ trợ điều trị nạn nhân chất độc da cam ở nhiều tỉnh khác nhau của Việt Nam. Vì thế, tôi muốn thăm những nơi như Trường Sơn. Đúng, tôi muốn tôn vinh những người cựu chiến binh, nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng vẫn còn những vấn đề tồn đọng trong quá khứ. Điều quan trọng là chúng ta phải có trách nhiệm với những vấn đề từ quá khứ. Và đó là những gì tôi tin chúng ta sẽ tiếp tục làm.
Mục tiêu thứ ba của tôi, là nhấn mạnh và kỷ niệm những gì chúng ta đã đạt được với trong quan hệ đối tác Việt-Mỹ. Tôi nghĩ, việc tôi được phép đến những nơi như Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn là minh chứng rõ ràng cho việc chúng ta đã trở thành đối tác và bạn bè thế nào.
Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến đi ấy, tôi thật sự biết ơn vì mình đã có cơ hội được tham gia. Tôi vô cùng vinh dự khi được là Đại sứ đầu tiên có được chuyến đi này sau nhiều năm chiến tranh, một lần nữa, minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ bền vững giữa hai chúng ta.
Nhân câu chuyện này, phải chăng lòng tin giữa hai nước đang ngày càng tăng lên, thưa Đại sứ?
– Tôi nghĩ vậy. Như tôi đã nói bên trên, điều mà tôi cảm thấy ấn tượng nhất trong 25 năm qua là chúng ta đã trở thành đối tác và bạn bè. Nhưng cũng có thể nói rằng có lẽ điều phi thường nhất chúng ta đã làm trong 25 năm qua là chúng ta đã xây dựng được lòng tin cần thiết để xây dựng mối quan hệ đối tác này. Và tôi thực sự nghĩ rằng hợp tác giải quyết các di sản chiến tranh có thể là điều quan trọng nhất mà chúng ta đã thực hiện để xây dựng lòng tin đó.
Bên cạnh đó, chúng ta đã làm rất nhiều việc khác. Tôi thường nói với những người bạn làm kinh doanh của tôi, khi đã trở thành đối tác và bạn bè thì phải liên tục vun đắp và chứng minh vì sao bạn tin tưởng họ và đó là con đường hai chiều.
Chúng tôi tự hào về thực tế rằng chúng tôi đã nỗ lực xây dựng lòng tin bằng cách giải quyết các di sản chiến tranh như rà phá bom mìn, tẩy ô nhiễm dioxin và chữa trị cho nạn nhân da cam. Việt Nam cũng đã có được lòng tin của Mỹ bằng việc hợp tác với chúng tôi giải quyết những di sản chiến tranh này. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một đối tác tốt về thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Triều Tiên, thúc đẩy mối quan tâm chung ở Biển Đông, làm việc để xây dựng một mối quan hệ kinh tế và thương mại tự do, công bằng và đối ứng. Việt Nam cũng hy sinh vì cộng đồng quốc tế bằng cách cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Nam Sudan.
Chưa kể đến việc tôi luôn ngạc nhiên rằng Việt Nam đã giao cho chúng tôi nguồn tài nguyên quý giá nhất của các bạn – những người trẻ tuổi, sinh viên của các bạn. Rất nhiều người trẻ Việt Nam đến Mỹ để có một trải nghiệm tốt và trở về Việt Nam là một điều tuyệt vời. Ngược lại, tôi chắc chắn rằng bạn cũng đã nhận thấy, có rất nhiều khách du lịch Mỹ trên khắp Việt Nam. Nhiều cựu chiến binh Mỹ cũng đến du lịch Việt Nam và tất cả họ đều có những trải nghiệm tuyệt vời. Tất cả những điều đó đã góp phần vào tình hữu nghị và đối tác tin cậy giữa hai chúng ta.
– Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
(Nguồn: Báo Lao Động)