Nằm trong khu vực Bắc Trung bộ, tỉnh Quảng Trị được xác định là một trong những địa phương có thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên xảy ra. Vì vậy, việc tìm mô hình nông nghiệp có thể thích ứng với điều kiện tự nhiên trên vùng đấy này là đòi hỏi bức thiết. Trải qua thời gian, người dân Quảng Trị qua quá trình canh tác đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để mang lại sản phẩm có chất lượng.
Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Quảng Trị với đầy nắng và gió Lào bỏng rát…. vùng gò đồi hoang hóa, cằn cỗi lại đặc biệt phù hợp với sự phát triển của các loại cây dược liệu, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, rất dễ phát triển trên đất cằn lại có nhiều công dụng quý, đó cũng chính là kết tinh của một miền quê đầy nắng, và gió…….Vùng đất Cam Lộ xưa nay đã từng có những đặc sản vang danh khắp trong Nam, ngoài Bắc như bắp, lạc, hồ tiêu, mật ong, gỗ rừng trồng… Ngoài một ít đất ruộng màu mỡ ven sông Hiếu, Cam Lộ (Quảng Trị) vốn là vùng bán sơn địa, do đó có thể thấy trong công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện thời, trong những sản vật của Cam Lộ, ngoài giữ lại thế mạnh về cây hồ tiêu, cây lâm nghiệp, còn được bổ sung thêm cây dược liệu. Đây là những loại cây trồng tỏ ra rất thích hợp và chỉ có thể gia tăng chất lượng sản phẩm nếu được trồng trên địa hình đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt. Trong số những người tiên phong đưa cây cà gai leo ở Cam Lộ trở thành hàng hóa có vợ chồng chị Lê Hồng Nhạn, những người con của quê hương Quảng Trị.
Với diên tích 5 ha, gia đình chị Lê Hồng Nhạn thu hoạch được trên 30 tấn nguyên liệu gồm cành, lá. Khi cây đã xanh tốt, công nhân cắt phơi khô để chế biến thành phẩm tùy loại như cao cà gai leo, cà gai leo hòa tan, cà gai leo dạng viên nén… để cung cấp cho thị trường. Một tín hiệu vui là 1 ha cà gai leo trong vụ đầu tiên đã cho lãi khoảng 60 triệu đồng.
Khi được hỏi về thương hiệu mang tên An Xuân- chị Hồng Nhạn chia sẻ rằng: cây và gai leo đang gieo trồng, làm ra sản phẩm từ đất đai và sức lao động của người dân thôn An Mỹ và thôn Tân Xuân, Cam Lộ. Tên của sản phẩm tâm huyết của chị Nhạn là An Xuân cũng là để tri ân mảnh đất đã tạo điều kiện cho gia đình thỏa ước nguyện được làm ăn ngay chính trên quê hương mình. An Xuân trước sau vẫn gói gém ước vọng của mọi người, luôn được bình an, thanh xuân mãi mãi.
Thương hiệu cà gai leo An Xuân vừa được bình chọn là 1 trong 100 thương hiệu Vì sức khỏe cộng đồng năm 2019, điều đó cũng đã minh chứng cho chất lượng và niềm tin của người tiêu dùng cho sản phẩm mang lợi thế về cao dược liệu ở miền đất nắng gió Quảng Trị.
Quảng Trị có tổng diện tích đất tự nhiên là 473.744ha; trong đó: Đất nông nghiệp: 388.042 ha. Quảng Trị cũng hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, giao thương với các vùng trong cả nước và quốc tế. Tỉnh Quảng Trị những năm gần đây đang vươn mình phát triển kinh tế mạnh mẽ từ sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân.
Với kiến thức y học cùng với sự nhạy bén, tinh tế của người phụ nữ, chị Lê Thị Huyền Thoại, sinh 1983, kỹ sư công nghệ thực phẩm, hiện là Phó Trưởng Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị đã tự tìm hiểu và mở cơ sở sản xuất tinh dầu thảo mộc.Thương hiệu tinh dầu thiên nhiên Huyền Thoại với các sản phẩm từ gừng, tràm, sả, bưởi, cam, quế, bạc hà, dừa… là những sản vật dân dã của quê nhà, chị Thoại đã chắt lọc tạo ra các sản phẩm tinh dầu có tác dụng phòng, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe con người. Ý tưởng chiết xuất tinh dầu của chị Thoại bắt đầu từ sản phẩm tinh dầu gừng. Từ sản phẩm đầu tay là tinh dầu gừng, đến nay tinh dầu do chị chiết xuất đã lên gần 10 sản phẩm. tinh dầu tràm; tinh dầu bạc hà tinh dầu hoa ngũ sắc trị bệnh viêm xoang.... Dù mỗi loại cây cối có ở vùng đất quê hương Quảng Trị có khí hậu khắc nghiệt, điều đó cũng là một lợi thế khi cho ra đời những sản phẩm thiên nhiên mang hàm lượng tinh dầu cao hơn các địa phương khác, hoa cỏ có một đặc trưng riêng nhưng có tác dụng chung của tinh dầu thảo mộc tự nhiên...Tùy thời tiết mưa nhiều hay nắng gắt mà thành phần và hàm lượng các cấu tử tinh dầu sẽ thay đổi do nguồn nguyên liệu có sự thay đổi theo mùa chứ hoàn toàn không có sự can thiệp của hóa chất. Vì vậy, ngoài những công dụng mà tinh dầu mang lại, bộ sản phẩm này còn đặc biệt thân thiện với môi trường. Mỗi năm, từ việc sản xuất tinh dầu đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập trên 5 triệu đồng, điều quan trọng hơn là tinh dầu Huyền Thoại đã được nhiều người biết đến, cả trong nước và nước ngoài.
Trở ra vùng đất Linh Hải- Gio Linh, khi thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, trên vùng đất đồi không thích hợp cho các loại cây ngắn ngày thì lại phù hợp với loại cây sả. Gần 300 ha sả được trồng trong 3 năm qua là nguồn nguyên liệu quý để cho ra đời dòng hóa mỹ phẩm Thiên Nhiên mang thương hiệu Moonway Quảng Trị. Chính từ sự ấp ủ đam mê, kết hợp với sự táo bạo trên thương trường, chị Lê Hồng Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thái Nhật Vinh đã cho ra đời gần 70 sản phẩm có thương hiệu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong tỉnh, 50 tỉnh thành lớn trên cả nước và xuất khẩu. Cạnh tranh trên thị trường với dòng hóa mỹ phẩm để phát triển là điều không dễ dàng, song câu chuyện của Moonway chính là nguồn nguyên liệu chính từ địa phương mà các dòng hóa mỹ phẩm khác không có được, đó chính là lợi thế cạnh tranh để Moonway ngày càng phát triển.
Điều quan trọng là những sản phẩm được kết tinh từ nguồn nguyên liệu trên vùng đất đầy nắng và gió của quê hương Quảng Trị cũng đã được người tiêu dùng biết đến, tin dùng và trở thành những sản phẩm cần thiết phục vụ cho nhu cầu cuộc sống. Yêu, tin những sản phẩm để rồi thêm trân quý sự ấp ủ và đam mê của chính những người con Quảng Trị đã nỗ lực học hỏi tìm tòi cho ra đời những sản phẩm mang thương hiệu Quảng Trị đến với bạn bè gần xa trong nước và quốc tế.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong nền kinh tế thị trường đầy biến động, năm 2019 nhiều sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn của tỉnh Quảng Trị vẫn chinh phục được thị trường khó tính trong nước và quốc tế. Điều đó cho thấy, với sự kiên trì, sáng tạo, chủ nhân của các sản phẩm đã tận dụng được tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng, từng bước mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cạnh tranh…
Tiến sỹ Dược học Nguyễn Thị Hoài cho rằng: “ nguồn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị rất phong phú, dược tính cao hơn các địa phương khác rất thuận lợi để sản xuất tinh dầu, đặc biệt là các loại cao dược liệu cũng đã được thị trường đón nhận và đánh giá cao”.
Quảng Trị hiện có 35 sản phẩm thế mạnh, thuộc 6 nhóm sản phẩm. Thực hiện Chương trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với nhu cầu thị trường hướng đến tăng số lượng xuất khẩu, tỉnh Quảng Trị đã tập trung thu hút các nguồn lực, kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô lớn, liên kết theo chuổi giá trị. Với định hướng tập trung vào phát triển bền vững sẽ tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp, chế biến sản phẩm tạo thế cạnh tranh trên thị trường. Từ đó khuyến khích, tạo động lực để người dân, doanh nghiệp tiếp tục phát huy sản xuất, chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, giá trị cao.
Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị khẳng định rằng: “ Vùng đất Quảng Trị được thiên nhiên ban tặng với đặc trưng là nắng và gió lào, không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, người dân đã chịu khó sáng tạo, tranh thủ được điều kiện thời tiết đó để trồng và liên kết với sản xuất để cho ra đời những sản phẩm có giá trị, đặc biệt là dòng tinh dầu, cao dược liệu từ đó nâng cao hơn đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh”.
Để nông nghiệp có thể lớn mạnh, người nông dân có thể giàu có trên mảnh đất mình đang cày xới, việc xây dựng được những sản phẩm có thương hiệu mạnh mang địa danh Quảng Trị là con đường chiến lược lâu dài và việc tạo dựng thương hiệu sản phẩm còn là sự thể hiện diện mạo của quê hương Quảng Trị đang ngày càng đổi mới.
(Nguồn: QRTV)