Ngư dân nỗ lực, tự tin vươn khơi bám biển

Lê An |

Trước việc Trung Quốc vừa ban hành cái gọi là “quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông” với phạm vi trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngư dân các địa phương trong tỉnh vẫn tự tin vươn khơi bám biển, vừa đánh bắt hải sản để phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những ngày này, Cảng cá Cửa Việt, xã Triệu An, huyện Triệu Phong  (Quảng Trị) luôn tấp nập tàu thuyền ra vào. Bình quân mỗi ngày có hàng chục chiếc tàu nối đuôi nhau vào bốc dỡ thủy sản đánh bắt được; tranh thủ nạp thêm nhiên liệu, lương thực thực phẩm, đá lạnh… rồi lại hối hả vươn khơi trực chỉ ngư trường Hoàng Sa.

Ngư dân bốc dỡ thủy sản đánh bắt được sau khi trở về từ ngư trường Hoàng Sa. Ảnh: LA
Ngư dân bốc dỡ thủy sản đánh bắt được sau khi trở về từ ngư trường Hoàng Sa. Ảnh: LA

Trao đổi với chúng tôi khi vừa trở về bờ sau chuyến bám biển dài ngày, ngư dân Hồ Đình Thủy ở tại Thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, thuyền trưởng tàu cá QT 90709TS cho biết, tàu cá của ông vừa có chuyến đánh bắt hơn 15 ngày ở vùng biển Hoàng Sa. Theo ông Thủy, năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm này phía Trung Quốc lại áp đặt lệnh tạm ngừng đánh bắt cá, kèm theo đó là các hoạt động quấy nhiễu đối với ngư dân Việt Nam trên các ngư trường. Tuy nhiên, các ngư dân đều không có gì phải e ngại vì xác định mình đang đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

“Những ngày qua, khi đang khai thác tại ngư trường Hoàng Sa ngư dân chúng tôi đã nghe về lệnh cấm đánh bắt cá của phía Trung Quốc. Nhưng chúng tôi đánh bắt cá trong vùng biển của nước mình nên không ai quan tâm đến lệnh cấm vô lý đó. Sau khi cập cảng nghỉ ngơi, bốc thêm dầu, đá lạnh, nước ngọt, lương thực thực phẩm, chúng tôi sẽ tiếp tục trực chỉ ngư trường Hoàng Sa đánh bắt hải sản”, ông Thủy khẳng định.

Cách đó không xa, mặc dù đang tất bật cùng với các bạn thuyền chuyển thực phẩm, đá lạnh vào hầm tàu để chuẩn bị cho chuyến đi biển dài ngày sắp tới nhưng khi được hỏi về cái gọi là “quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông” do Trung Quốc áp đặt phi lý kéo dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền bao đời nay của Việt Nam, ngư dân Nguyễn Công Thành ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh, thuyền trưởng tàu cá QT93557TS không giấu được vẻ bức xúc cho biết, anh và các ngư dân lúc nào cũng xác định ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc Bộ là của cha ông để lại; không ai được phép ngăn cấm ngư dân đến đánh bắt thủy sản tại các ngư trường truyền thống của mình. Do đó, việc phía Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh bắt cá có thời hạn trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam với các ngư dân là vô giá trị.

Theo anh Thành, phía Trung Quốc càng cấm đánh bắt thì ngư dân càng phải đồng tâm hiệp lực, đoàn kết ứng phó. Ngoài ra, trên biển lúc nào cũng có các lực lượng thực thi pháp luật của nước ta đồng hành, bảo vệ, giúp ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản. “Họ cấm thì kệ họ, đang trong vụ cá Nam nên chúng tôi vẫn ra khơi đánh bắt bình thường ở ngư trường Hoàng Sa. Ở xã Gio Việt này, các tàu cá xa bờ khác cũng tương tự như tàu cá của tôi, không ai e ngại gì cả bởi lệnh cấm này không có giá trị. Biển của mình thì mình đưa tàu ra đánh bắt, khai thác thôi, không gì phải ngại. Đây không chỉ là vì kế sinh nhai mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài ra, ngoài đó còn có tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của mình sẵn sàng hỗ trợ. Anh em ngư dân chỉ nhắc nhở nhau cần giữ liên lạc thường xuyên, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt”, anh Thành khẳng khái nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Gio Việt Trần Thanh Hải, toàn xã hiện có hơn 40 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chuyên đánh bắt ở các vùng biển Hoàng Sa và vịnh Bắc Bộ. Do vậy, ngay sau khi phía Trung Quốc có thông báo đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, UBND xã đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị tuyên truyền vận động để ngư dân an tâm bám biển. Củng cố lại các tổ, đội sản xuất trên biển, thống nhất tần số liên lạc để sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt. “Các ngư dân đều khẳng định họ khai thác đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế và không vi phạm sang vùng biển của nước khác. Ngoài ra, ngư trường vịnh Bắc Bộ, quần đảo Hoàng Sa là 2 ngư trường truyền thống của ngư dân xã Gio Việt. Do đó, việc Trung Quốc đơn phương áp đặt phi lý lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông càng làm các ngư dân quyết tâm hơn trong việc vươn khơi bám biển, giữ vững ngư trường, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, ông Hải cho hay.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam cho biết, toàn tỉnh hiện có 372 tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên, thường xuyên đánh bắt trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và vịnh Bắc Bộ. Theo ông Nam, hiện ngư dân trong tỉnh vẫn ra khơi đánh bắt bình thường trên vùng biển Việt Nam. Để ngư dân yên tâm bám biển sản xuất và bảo đảm an toàn trong quá trình hoạt động trên biển, Chi cục Thủy sản đã thông báo cho các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân khai thác thủy sản trên biển biết và khẳng định cái gọi là “quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông” do phía Trung Quốc đưa ra là không có giá trị và vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đồng thời, phối hợp với các địa phương ven biển hướng dẫn ngư dân về chủ quyền của vùng biển Việt Nam; động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển Việt Nam; khuyến khích ngư dân thành lập các tổ đội đánh bắt trên biển với quy mô từ 5 - 10 tàu/tổ, ra khơi cùng nhau, đánh bắt cách nhau từ 2 - 3 hải lý và luôn giữ thông tin liên lạc với nhau để có thể hỗ trợ lẫn nhau. Phối hợp với các đồn biên phòng, cảng cá quản lý chặt chẽ việc xuất bến của tàu cá hoạt động trong thời gian này; thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của các tàu cá trên biển.

“Hiện nay, tất cả các tàu cá đánh bắt xa bờ trước khi ra khơi đều đã được trang bị đầy đủ máy thông tin liên lạc tầm xa (ICOM), máy giám sát hành trình…, những máy này đều kết nối với đất liền nên rất thuận lợi trong việc thông báo tình hình trên biển cho các cơ quan chức năng để được hướng dẫn, xử lý kịp thời; tạo sự yên tâm cho ngư dân trong việc vươn khơi bám biển dài ngày trên các ngư trường truyền thống của mình”, ông Nam nhấn mạnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thị trấn mới trên vùng đất lúa

Lệ Như |

Chiều ngày 19/3/1975, thị trấn Diên Sanh (Hải Lăng, Quảng Trị), mảnh đất cuối cùng của tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Sự kiện này đánh dấu một mốc son trong lịch sử của quân và dân Hải Lăng, góp phần tạo thế và lực mới, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Truyền thống tốt đẹp ấy chính là nền tảng, là động lực để Đảng bộ và Nhân dân thị trấn Diên Sanh vững bước vào thời kỳ khôi phục, xây dựng quê hương hôm nay.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Nguyên Lý |

Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp năm 2020 tại Quảng Trị đề ra mục tiêu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cây hồ tiêu của huyện Vĩnh Linh giảm cả về sản lượng và giá thành

Nguyên Đồng |

Từ năm 2018 đến nay, năng suất, sản lượng của cây hồ tiêu cũng như giá thành tiêu hạt giảm so với các năm trước. Năm 2020, sản lượng cây hồ tiêu của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đạt trên 1.400 tấn, giảm 1,3% so với năm 2019.

Khi nông dân làm thương mại điện tử

Thế An - Hồng Quân |

Không chỉ dừng lại ở việc trồng các sản phẩm theo hướng hữu cơ, nâng cao giá trị nông sản theo chuỗi sản phẩm, những người nông dân Quảng Trị đang sử dụng các công nghệ hiện đại để có thể quảng bá, giới thiệu với bạn bè khắp nơi trên thế giới về nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm mình làm ra thông qua các ứng dụng mạng xã hội. Khi nông dân làm thương mại điện tử, phóng sự được phóng viên Đài PTTH Quảng Trị ghi nhận tại hợp tác xã Chân Mây, xã Hướng Phùng huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).