Suốt mấy ngày đêm phóng viên Đài PTTH Quảng Trị theo chân các chiến sĩ Biên phòng Quảng Trị chúng tôi lên biên giới Việt-Lào vào những ngày tháng 4/2020 khi dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp.
Từ khi Chỉ thị 16 củaThủ tướng Chính phủ chỉ đạo giãn cách xã hội thì toàn bộ hệ thống chính trị được huy động đến mức cao nhất để phòng, chống đại dịch COVID -19. Ở Quảng Trị cho đến thời điểm này vẫn kiểm soát được tình hình tuy nhiên, không thể chủ quan, lơ là với nguy cơ dịch bệnh. Chính vì vậy, chính quyền các cấp, các lực lượng phải luôn đề cao cảnh giác, phòng dịch trước khi chống dịch. Và ở các địa bàn biên viễn, lực lượng biên phòng là lực lượng chủ công đi đầu khi đương đầu với dịch COVID- 19, để bảo vệ cuộc sống an lành cho nhân dân. Mà đường biên Việt -Lào thì có độ dài khoảng 180 cây số và bà con hai bên vốn có quan hệ mật thiết lâu đời, chuyện giao lưu, hữu nghị, thăm thân vẫn thường xuyên nay phải cách ly cũng là vấn đề rất nhạy cảm khi xử lý các tình huống vùng biên.Chúng tôi đến phía cực Nam huyện Hướng Hóa, nơi đồn xa nhất ở vùng Lìa là Đồn Biên phòng Ba Tầng. Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cùng Công an, dân quân địa phương đóng chốt ở ngay cạnh đường biên giới túc trực cả ngày lẫn đêm để tuần tra canh gác biên cương, căng mình ra phòng chống dịch như một hiểm họa đang đe dọa cuộc sống con người của toàn nhân loại. Những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày cũng khó lòng nói hết. Từ chuyện ăn, ở, sinh hoạt, tắm giặt cho đến ánh sáng rồi ngày nắng nóng, đêm lạnh buốt, giấc ngủ giữa rừng chập chờn canh cánh nhiệm vụ bên mình. Nhưng với tinh thần của bộ đội Cụ Hồ, các anh đã làm hết sức mình để giữ vững tuyến đầu chống dịch xứng đáng với niềm tin của đồng bào. Có tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu được những gian nan kéo dài hàng tháng trời của bộ đội Biên phòng trong những ngày nóng bỏng. Trung tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng vừa đi vừa trò chuyện. Anh cho biết, dù đường núi hiểm trở, nhiệm vụ khó khăn nhưng anh em bộ đội biên phòng quyết tâm hoàn thành trọng trách được giao.
Bản làng có vẻ vắng lặng hơn ngày thường nhưng các chiến sĩ Biên phòng thì vẫn mải miết làm công tác truyền thông phòng chống đại dịch. Các phương tiện từ ô tô cho đến xe máy đều được huy động trong cuộc chiến thời bình: “chống dịch như chống giặc” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phương châm dân vận của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng vẫn là dân vận thường xuyên, đi đến từng bản, vào từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người dân. Nói một lần, nói nhiều lần, ngày nào cũng tuyên truyền phòng, chống dịch, theo kiểu “mưa dầm thấm đất”. Ăm Tà Măng, bản Loa, xã Ba Tầng và Ăm Mết, Trưởng thôn Loa, xã Ba Tầng đều vui vẻ nói rằng: dân bản nghe lời bộ đội: ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài.
Chính nhờ bám dân, bám bản, bám địa bàn, bám vùng biên vừa thường xuyên tuần tra vừa tích cực tuyên truyền mà những người lính mang quân hàm xanh đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Thượng úy Lê Quốc Vương, Phó Chính trị viên phụ trách Đội tuyên truyền Đồn Biên phòng Ba Tầng, đã khẳng định quyết tâm bám dân hoàn thành nhiệm vụ.
Cũng nhờ dân vận tốt nên đồng bào hầu hết đã đồng lòng với chính quyền, với bộ đội Biên phòng. Với người dân bình thường làm được như vậy đã không dễ, còn với những người dân thuê đất sản xuất ở bên kia biên giới của nước bạn Lào cũng thật khó khăn. Vì chuyện cách ly, không đi lại chăm sóc, thu hoạch sẽ làm ảnh hưởng đến nồi cơm, đến thu nhập của gia đình. Vậy mà nhiều người dân vẫn chấp hành dù phải bấm bụng gánh chịu thiệt thòi về kinh tế gia đình. Họ đã biết hy sinh vì đại cuộc. Anh Hồ Thành, người dân xã Thanh chia sẻ: dù mình có rẫy chuối 700 cây và hai rẫy sắn thuê làm ở Lào nhưng nghe lời Chính phủ và bộ đội Biên phòng nên dứt khoát không đi sang nước bạn để sản xuất, dù biết vậy là thiệt hại kinh tế. Anh Hồ Thành nói : "Tiếc của lắm nhưng mình cương quyết không đi vì phòng, chống dịch".
Những ngày đêm đi cùng bộ đội Biên phòng Quảng Trị, chúng tôi đã nghe thấy rất nhiều chuyện đáng nói và đáng nhớ. Chẳng hạn ngay Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo có vẻ là thuận lợi hơn cả so với những đồn vùng sâu vùng xa cũng vất vả đủ đường. Cũng tuần tra ban ngày, rồi tuần tra ban đêm. Vào ban đêm họ thay nhau ngủ mỗi người vài tiếng đồng hồ, còn lại là túc trực canh phòng, tuần tra. Đường mòn nhiều lối ngang ngõ tắt, sông suối mùa này nước cạn, qua lại dễ dàng là thử thách không nhỏ khi muốn giữ vững an ninh biên giới, đặc biệt lại trong mùa đại dịch. Chỉ một sơ suất nhỏ là dẫn đến hậu quả lớn. Tại đây, chúng tôi được biết có chiến sĩ đã hoãn cưới để dốc sức lo cho nhiệm vụ nặng nề. Nói dân vận ở đâu xa đây là dân vận ngay với gia đình hai bên, ngay với người vợ chưa cưới của mình. Nói thì có vẻ giản đơn nhưng làm được thật không hề đơn giản. Trung úy Lê Thừa Văn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo nói rằng, xong dịch sẽ về cưới vợ, lúc ấy chắc vui lắm.
Bây giờ trong những phút hiếm hoi sau khi cùng đồng đội tuần tra ban đêm, Trung úy Lê Thừa Văn lại nằm lên võng tranh thủ hỏi han, động viên người vợ chưa cưới của mình. Chống dịch như chống giặc nên người lính biên cương càng hiểu thêm trọng trách của mình, thức cho dân ngủ, gác để dân yên. Họ mãi mãi là người lính Cụ Hồ trong lòng dân Việt. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết : "Tỉnh Quảng Trị đã ra sức phòng chống dịch, đến nay vẫn kiểm soát được tình hình. Lãnh đạo tỉnh cùng với hệ thống chính trị đã vào cuộc đồng bộ và kiên quyết, trong đó tuyến đầu có bộ đội biên phòng cũng đã làm hết mình. Dù vậy chúng tôi không hề chủ quan, quyết tâm phòng chống dịch đến khi có thắng lợi cuối cùng".
Người lính Việt Nam, trong đó có bộ đội Biên phòng trong những ngày này “nằm gai nếm mật”, suốt ngày đêm bám biên cương, bám dân. Ở đâu có đường là các anh đi, ở đâu có dân là các anh đến; thức khuya dậy sớm, nằm lại giữa rừng mà thực hiện nhiệm vụ nặng nề mà Chính phủ và nhân dân giao phó. Họ đã chiến đấu kiên cường trên mặt trận không tiếng súng nhưng vẫn rất ác liệt dù ngay giữa thời bình. Họ làm tất cả nơi tuyến đầu chống dịch COVID -19 để đem lại bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.
(Nguồn: QRTV)