Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 27 khóa XVI, trong phần đóng góp lần 2 cho dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, một số đại biểu quan tâm đến vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, trong đó dự thảo đề ra nhiệm vụ: “Thực hiện tốt nhiệm vụ quy hoạch, xây dựng, phát triển, hình thành trục đô thị ven biển. Khuyến khích đấu thầu công khai để lựa chọn doanh nghiệp đầu tư các khu đô thị.
Giai đoạn 2021 - 2025 tiến hành nghiên cứu và giai đoạn 2026 - 2030 triển khai xây dựng trung tâm hành chính mới của huyện Gio Linh tại thị trấn Cửa Việt và của huyện Triệu Phong tại xã Triệu An - Triệu Vân, gắn với phát triển đô thị Mỹ Thủy và đô thị Trung tâm hành chính Khu kinh tế Đông Nam để khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo”. Có lẽ do vấn đề đặt ra là mới nên có nhiều ý kiến băn khoăn, quan ngại là điều dễ hiểu.
Phát triển đô thị ven biển là việc làm không mới, đó là quy hoạch mà nhiều địa phương trong cả nước đã làm và đang làm, có điều dự thảo đặt ra vấn đề: “Giai đoạn 2021 - 2025 tiến hành nghiên cứu và giai đoạn 2026 - 2030 triển khai xây dựng trung tâm hành chính mới của huyện Gio Linh tại thị trấn Cửa Việt và của huyện Triệu Phong tại xã Triệu An - Triệu Vân, gắn với phát triển đô thị Mỹ Thủy và đô thị Trung tâm hành chính Khu kinh tế Đông Nam” làm nhiều đại biểu băn khoăn. Lãnh đạo huyện Gio Linh và huyện Triệu Phong đều cho rằng, trung tâm hành chính của huyện (huyện lỵ) có tính lịch sử, gắn với quá trình phát triển của một vùng đất.
Trong những năm qua, tỉnh và huyện đã tập trung đầu tư nguồn lực xây dựng các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện lỵ gắn với đô thị hiện tại là thị trấn Gio Linh và thị trấn Ái Tử; bây giờ đặt vấn đề chuyển trung tâm hành chính của huyện về phía biển liệu có cơ sở khoa học, có gây lãng phí nguồn lực đã đầu tư trong nhiều năm qua và hiện tại đang tiếp tục đầu tư. Hơn nữa trung tâm hành chính huyện lại gắn với tâm tư, tình cảm của bao thế hệ người dân...
Thiết nghĩ trong chiến lược phát triển, đặt ra vấn đề phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn là hướng đi đúng đắn. Trong tương lai, khi Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị phát triển sẽ kéo theo sự phát triển các đô thị ven biển. Chẳng hạn như sẽ có một số thị trấn, thị tứ ven biển phát triển sầm uất như thị trấn Cửa Việt, các thị tứ Triệu An, Triệu Lăng, Mỹ Thủy, hay ở phía Bắc trong tam giác du lịch Cửa Việt- Cửa Tùng - Cồn Cỏ sẽ hình thành các đô thị mới như Gio Hải, Trung Giang, Vĩnh Thái. Thêm vào đó là các dự án du lịch lớn mà tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược sẽ tập trung đầu tư vốn vào đây, góp phần phát triển du lịch, bố trí lại dân cư, khai thác tiềm năng kinh tế biển. Như vậy việc định hướng quy hoạch, kêu gọi nguồn lực đầu tư phát triển các đô thị ven biển là điều cần thiết và các đô thị này sẽ có vai trò thúc đẩy kinh tế biển phát triển. Vấn đề đặt ra là khi quy hoạch phát triển các đô thị ven biển, có cần thiết không việc chuyển các trung tâm hành chính của các huyện có biển về đóng ở ven biển.
Mặt khác, các trung tâm hành chính của các huyện cũng có biển như thị trấn Hồ Xá của huyện Vĩnh Linh, thị trấn Hải Lăng của huyện Hải Lăng thì sao? Một khi đã chuyển trung tâm hành chính các huyện về đóng ở ven biển, vậy thì các cơ sở hành chính, cơ sở kinh tế, các thiết chế văn hóa- xã hội của các huyện đã xây dựng sẽ xử lý như thế nào để khỏi lãng phí. Đó là chưa nói đến các huyện có biển hiện nay đều có địa hình trung du, đồng bằng, vùng biển. Việc trung tâm hành chính của các huyện đóng dọc theo Quốc lộ 1 sẽ thuận lợi hơn trong điều hành kinh tế - xã hội hay đóng ở ven biển sẽ tối ưu hơn trong phát triển tương lai? Sẽ còn nhiều vấn đề đặt ra cần được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để có căn cứ thuyết phục trong quy hoạch, tạo sự đồng thuận của cán bộ, nhân dân trong tỉnh.
Nhân đây, cũng xin nói thêm về định hướng phát triển đô thị được đề cập trung dự thảo Báo cáo Chính trị. Đó là định hướng xây dựng thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị: “Thực hiện Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đông Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực để cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II, từng bước xây dựng và phát triển thành phố Đông Hà trở thành đô thị xanh, đô thị thông minh. Ưu tiên nguồn lực để xây dựng thị xã Quảng Trị đạt đô thị loại 3. Tập trung phát triển các khu đô thị thuộc thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và đô thị ven biển”.
Trước đây, khi mới lập lại tỉnh, có ý kiến cho rằng nên phát triển đô thị theo hướng nối thành phố Đông Hà (lúc đó còn là thị xã) với thị xã Quảng Trị để trở thành thành phố Quảng Hà có quy mô rộng lớn và phong phú hơn. Khi thành phố Đông Hà phát triển, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố Đông Hà cũng đã định hướng quy hoạch phát triển thành phố cân đối, hài hòa hai bên bờ sông Hiếu, vì hiện nay đô thị phát triển lệch sang bờ Nam.
Chúng tôi nghĩ thêm, có thể phát triển thành phố Đông Hà về phía Đông để nối với thị trấn Cửa Việt, và nếu được có thể mở rộng thành phố về phía xã Gio Mai, Gio Việt của huyện Gio Linh, để thành phố có biển trong bán kính 12-15 km như một số đô thị trong nước được không? Thiết nghĩ nếu có nguồn lực để xây dựng một con đường có quy mô nối về biển trên nền con đường xuyên Á ở bờ Bắc sông Hiếu hiện nay và xây dựng thêm tuyến đường về biển ở Nam sông Hiếu tự khắc thành phố Đông Hà sẽ phát triển mạnh mẽ về phía Đông.
Có một câu chuyện trong việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã gần đây làm cho chúng ta suy nghĩ. Đó là khi sáp nhập xã Vĩnh Tân với thị trấn Cửa Tùng của huyện Vĩnh Linh, người dân địa phương có nhiều tâm tư về việc đặt tên đơn vị hành chính mới thế nào để đảm bảo tính truyền thống. Cán bộ, nhân dân địa phương đã bàn thảo thấu đáo, chẳng lẽ đặt tên là thị trấn Tân Tùng hay là Tùng Tân; cuối cùng người dân đã đồng thuận chọn giữ lại cái tên địa danh thị trấn Cửa Tùng. Từ câu chuyện trên nói lên một điều, rằng quy hoạch phát triển dân cư, đô thị là vấn đề lớn, có nhiều căn cứ để xây dựng quy hoạch, trong đó có một căn cứ quan trọng không thể bỏ qua, đó là sự đồng thuận của người dân.
Những vấn đề mới như đã nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII khi được lấy ý kiến của các giai tầng trong xã hội, chắc chắn sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp về các lĩnh vực, trong đó có vấn đề định hướng phát triển các trung tâm đô thị, để văn kiện quan trọng này thực sự đi vào cuộc sống, dẫn dắt sự phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh trong tương lai.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)