Gió rít từng cơn trên mái nhà. Sau hồi, đám lá chuối cọ xào nhau xào xạc. Bầy chim sẻ nép mình vào nhau dưới cơn mưa phùn rơi rắc.
Nghe đài báo trời còn rét đậm, rét hại kéo dài, mẹ than củi không đủ để sưởi ấm ngôi nhà tranh nằm ở cuối cánh đồng chỉ có gió và rét...
Miền Trung, nắng thì nóng như ngồi trên chảo rang, thế mà rét cũng cắt da cắt thịt, đắp hai cái chăn bông vẫn run lập cập. Cái lạnh như trong người lạnh ra chứ chẳng phải ngoài trời tạt vào! Mẹ tôi thường bảo như vậy mỗi lúc lom khom ra vườn hái vội mớ rau chuẩn bị bữa cơm chiều. Người quê nắng lắm thì ra bờ ao hay ngồi dưới bụi tre bên bờ sông để chờ gió nồm nam; còn trời rét, nhà nhà khép cửa yên ắng để các thành viên vui vầy bên bếp lửa mùa đông. Trong gian bếp chật chội với nhiều nông cụ, củi khô và rơm rạ, nhà tôi luôn hiển hiện một bếp lửa hồng để mọi người vây quanh sưởi ấm. Đứa em út nghịch ngợm thường chạy chơi với đám bạn, về nhà khuôn mặt tím tái, hai tay run rẩy thường chạy vào xí chỗ ngồi gần bếp lửa, đưa hai bàn tay bé nhỏ hơ hơ cho ấm rồi phả vào hai má mà hít hà: “Chẳng đâu ấm bằng bếp lửa nhà mình”. Mái nhà tranh lúp xúp, tưởng không che nổi cái rét cùng mưa phùn của những ngày mùa đông thế mà nó đã chống chọi, che chở cho cả gia đình qua bao mùa khắc nghiệt. Vì trong mỗi mái nhà luôn đỏ hồng một bếp lửa, khói bay lên trên nền trời bình yên. Ở đó, có những mái đầu chụm vào nhau trong những bữa cơm đạm bạc, với trái ớt chín cay cay làm khuôn mặt người người hồng lên bên ánh lửa ấm áp. Nhớ những ngày đông xa xưa, bếp lửa như một cứu cánh giữa rét mướt khi áo không đủ mặc, chăn không đủ ấm. Những ngày đi chăn trâu cùng đám bạn trên cánh đồng mênh mông mưa phùn, trắng xóa một màu ảm đạm. Đứa thì đi kiếm củi, tìm rơm; đứa thì chạy xa tít vào làng xin lửa để đốt. Chẳng thể nào quên những khuôn mặt tím tái ngồi bên nhau run run, củi và rơm đã kiếm đủ rồi mà lửa vẫn chưa xin về. Con đường mưa bay bay, bóng thằng Tèo hiện rõ dần, trên tay cầm nắm rơm khói nghi ngút. Mọi người cười reo khi nó trở về, bỏ lửa vào đống rơm mà thổi. Cả đám thay nhau thổi khói nhè cay cả mắt, thế rồi lửa không thể nào cháy vì mưa ướt. Thằng Téo lại phải một phen băng qua cánh đồng để vào làng xin lửa lần nữa. Một vệt khói kéo dài trên con đường làng khi nó đi qua. Bên bếp lửa ấy, những khuôn mặt của trẻ chăn trâu hớn hở, ấm dần lên. Một đứa sau khi hết lạnh lại bảo: “Thương cho những con trâu ốm vì rét!”. Khi lửa đã cháy rực, thế nào cũng có đứa bày trò đi mót khoai lang về nướng. Mùa này khoai đã thu hoạch, phải nhìn thật kỹ những mầm xanh dưới đất vừa nhô lên chắc chắn khoai sẽ còn sót ở đó. Khoai nướng là người bạn cố hữu của những kẻ chăn trâu.Mùa đông ở bên bếp lửa, ném vào đó mấy củ khoai nướng đợi chín trong mùi thơm ngạt ngào thì còn gì bằng. Chỉ có cái ăn xong mặt mũi đứa nào cũng đen nhẻm vì than, miệng cười hì hì thật khoái khi đã ấm bụng. Bếp lửa trong những ngày rét giờ chỉ còn nằm trong ký ức, chỉ thi thoảng lại trở về trong những ngày Tết bên nồi bánh chưng mẹ nấu.
Tôi thường giấu bàn tay của mình vào túi áo hoặc nắm trọn bàn tay quanh ly trà nóng giữa lúc lạnh nhất của ngày đông chỉ để mong tìm lại chút hơi ấm của những ngày bên bếp lửa tuổi thơ…