Thời gian gần đây, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện miền núi biên giới Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) tiếp tục diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng. Mới đây, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tổ chức các buổi làm việc với Công an hai huyện Hướng Hóa, Đakrông để khảo sát tình hình tội phạm, tệ nạn liên quan đến ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng, đến cuối tháng 4/2020, toàn tỉnh có 1.814 người nghiện và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý. Hiện nay, tổng số người sử dụng ma túy trái phép trên địa bàn miền núi là 855 người (chiếm 47,6%), trong đó số người đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng trái phép chất ma túy là 426 người (chiếm 23,7%).
Điều đáng lo ngại là từ năm 2015 đến nay, số đối tượng sử dụng ma túy là người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 14 - 18 tuổi ở khu vực biên giới liên tục gia tăng… Riêng trên địa bàn huyện Hướng Hóa có 666 người sử dụng trái phép chất ma túy (thuộc địa bàn 18/21 xã, thị trấn, tập trung chủ yếu ở các xã, thị trấn giáp biên giới, có nhiều đường tiểu ngạch qua lại biên giới Việt Nam - Lào như thị trấn Lao Bảo, các xã Tân Thành, Tân Long, Thanh, Thuận, A Túc). Trong đó, số người dân tộc thiểu số sử dụng trái phép chất ma túy là 293 người…
Huyện Đakrông có số đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn huyện là 8 người; đối tượng nghi nghiện ma túy là 45 người; đối tượng mới sử dụng ma túy là 110 người. Trong đó, người dân tộc thiểu số là 133 người (chiếm 81,5% tổng số người nghiện ma túy trên địa bàn huyện, tập trung tại các xã như Đakrông, Ba Nang, Húc Nghì, Tà Rụt và thị trấn Krông Klang). Số người sử dụng trái phép chất ma túy phần lớn ở lứa tuổi thanh thiếu niên, không có việc làm. Số đối tượng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy nhỏ lẻ phát triển mạnh, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng. Đặc biệt, đã xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Đakrông sử dụng trái phép chất ma túy và có hoạt động phạm tội về ma túy.
Những năm qua, Công an huyện Hướng Hóa đã chủ động tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp nhằm kiềm chế và kiểm soát tình hình ma túy trên địa bàn; tổ chức 102 buổi tuyên truyền về tác hại và pháp luật về phòng, chống ma túy tại các xã, thị trấn, các trường THPT, THCS trên địa bàn huyện, thu hút hơn 21.465 lượt người tham gia; tổ chức 3 buổi tập huấn nâng cao nhận thức pháp luật về ma túy cho Chi hội Nông dân, Chi hội Phụ nữ xã Tân Lập; phối hợp với Tòa án nhân dân huyện, Trường THPT Lao Bảo tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy bằng hình thức tổ chức 1 phiên tòa giả định vi phạm pháp luật về ma túy, thu hút sự tham gia của hơn 300 giáo viên, học sinh; phối hợp với chính quyền, công an xã Thanh, Thuận xây dựng 2 mô hình “Giúp đỡ, giáo dục người cai nghiện tại cộng đồng và cảm hóa, giáo dục thanh niên vi phạm pháp luật”…
Trong công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy, trong năm 2019 Công an huyện Hướng Hóa phát hiện, bắt giữ 33 vụ/45 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy (đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy là người dân tộc thiểu số có 8 vụ/10 đối tượng). Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an huyện Hướng Hóa phát hiện, bắt giữ 26 vụ/31 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy (đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy là người dân tộc thiểu số có 4 vụ/8 đối tượng)…
Công an huyện Hướng Hóa cũng làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy. Chú trọng công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện với việc phối hợp với các ban, ngành liên quan, công an các xã, thị trấn tập trung rà soát, xác định người nghi vấn sử dụng ma túy, người nghiện ma túy trên địa bàn…
Công an huyện Đakrông đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp nhằm kiềm chế và kiểm soát tình hình ma túy trên địa bàn; phối hợp với Huyện đoàn Đakrông thành lập 14 tổ thanh niên xung kích tuyên truyền pháp luật tại 14 xã, thị trấn; tổ chức tập huấn về kỹ năng tuyên truyền phòng, chống ma túy cho các cán bộ trực tiếp làm công tác tuyên truyền tại các xã, thị trấn; thành lập 6 tổ công tác phát động phong trào củng cố ANTT tại cơ sở; phát động 187 lượt phong trào quần chúng tố giác tội phạm về ma túy; chủ trì tổ chức hơn 120 buổi tuyên truyền và 1 đợt mít tinh về phòng, chống ma túy trên địa bàn các xã, thị trấn với hình thức, nội dung phong phú, thu hút hơn 2.000 lượt người tham gia; xây dựng 2 mô hình “Thôn không có tội phạm và tệ nạn ma túy” và mô hình “3 quản” đang tổ chức thí điểm tại xã Triệu Nguyên….
Trong công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy, từ năm 2015 đến nay Công an huyện Đakrông đã phát hiện, bắt giữ 9 vụ/15 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy (có 6 đối tượng là người dân tộc thiểu số); triệt phá 2 điểm sử dụng trái phép chất ma túy tại thị trấn Krông Klang và xã Ba Nang; xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 đối tượng là người dân tộc thiểu số… Công an huyện Đakrông cũng đã làm tốt công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện…
Để phòng, chống ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới, Công an huyện Hướng Hóa kiến nghị, đề xuất với Ban Dân tộc - HĐND tỉnh các vấn đề như: Ban Dân tộc tỉnh, huyện cần phối hợp với Công an huyện xây dựng kế hoạch, cử cán bộ có kinh nghiệm và biết tiếng dân tộc để phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao ý thức phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma túy; có giải pháp củng cố, nâng cao vị thế, vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số…; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc tham gia phòng, chống ma túy cho cán bộ làm công tác dân tộc, nhất là những người có uy tín (trưởng thôn, trưởng bản) trong cộng đồng người dân tộc thiểu số; xem xét bố trí nguồn kinh phí phòng, chống ma túy cho lực lượng trực tiếp đấu tranh, điều tra tội phạm về ma túy…
Công an huyện Đakrông kiến nghị, đề xuất các vấn đề như: Đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, sớm đưa vào quy định của Bộ Luật Hình sự để đảm bảo sức răn đe đối với số đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của ma túy đến người dân bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú; hỗ trợ kinh phí, trang cấp trang thiết bị phục vụ tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ để nâng cao năng lực trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong việc xác định tình trạng nghiện, công tác lập hồ sơ, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc; chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với các xã, thị trấn rà soát những thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn không có việc làm để có kế hoạch dạy nghề, tạo việc làm ổn định…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)