La Lay vẫy gọi

Văn Cần |

Những ngày đầu xuân, theo hành trình dọc Quốc lộ 14 trong hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại rồi rẽ vào quốc lộ 15D, chúng tôi đến La Lay, mảnh đất nằm ở vùng đất cực Tây - Nam Quảng Trị. 

Tọa lạc ở độ cao gần 650 m sườn tây dãy Trường Sơn, La Lay quanh năm đón gió núi và mây ngàn không ngừng thổi tới. Thấp thoáng sau màn sương và cái rét của miền sơn cước là những chuyến xe nối đuôi nhau vào khu vực nhà ga cửa khẩu. Ngay từ đầu năm, hoạt động XNK và XNC diễn ra khá nhộn nhịp. Đây là tín hiệu vui từ vùng đất Tây - Nam Quảng Trị trong mùa xuân mới.

Tiềm năng to lớn

Nằm ở cực Tây Nam huyện Đakrông và tỉnh Quảng Trị, Cửa khẩu quốc tế La Lay nói riêng và khu vực Tây - Nam Quảng Trị nói chung có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển không chỉ kinh tế đối ngoại mà còn là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Dù nằm ở độ cao khá lớn, núi non hiểm trở nhưng La Lay vẫn được xem là có sự ưu ái của thiên nhiên bởi đây là điểm duy nhất trong vùng cho phép đường 15 D dang rộng cánh tay nối những vùng đất ở hai bên mái nhà của dãy Trường Sơn hùng vĩ.

 
Người và phương tiện làm thủ tục xuất nhập cảnh. Ảnh: VC 

Cửa khẩu quốc tế La Lay nối tỉnh Quảng Trị với 4 tỉnh Nam Lào và tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan) thành hệ thống giao thông quốc tế mới. Đây là tuyến đường giao thông quan trọng có tác động trực tiếp đến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), tạo sự tương hỗ lẫn nhau giữa hai tuyến đường EWEC (qua Lao Bảo) và PARA-EWEC (qua La Lay). Thông qua tuyến đường 15D kéo dài sẽ kết nối khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan vào hệ thống đường cao tốc phía đông của Việt Nam tại đoạn Cam Lộ - La Sơn, nối thông về cảng Mỹ Thủy.

Tuy nhiên, nhiều năm trước đây Quảng Trị vẫn chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của vùng đất phía Tây - Nam. Thấy được tiềm năng to lớn và lợi thế của vùng đất này, từ năm 2015, được sự đồng ý của Chính phủ, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng đầu tư, xây dựng La Lay và Khu vực Tây - Nam thành một trong những vùng kinh tế nhằm thúc đẩy sự phát triển khu vực nói riêng và Quảng Trị nói chung.

Căn cứ vào lượng hàng hóa thông quan và khách du lịch qua La Lay của các năm cũng như dự báo khả năng phát triển kinh tế vùng, trước đó vào năm 2014, Cửa khẩu La Lay được Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế. Đề án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay được Chính phủ phê duyệt: Theo đó, La Lay được áp dụng cơ chế phân bổ nguồn vốn như đối với Khu kinh tế cửa khẩu. Đây là thuận lợi lớn, là động lực để tỉnh Quảng Trị từng bước đầu tư, ưu tiên nguồn lực phù hợp, quyết tâm xây dựng La Lay thành một Khu kinh tế ở phía Tây - Nam Quảng Trị.

Nếu như năm 1995 do điều kiện nguồn lực còn hạn chế, La Lay lúc bấy giờ chỉ là một cửa khẩu phụ với đường sá chật hẹp, núi non hiểm trở, thỉnh thoảng mới có một vài chuyến xe khai thác phế liệu chiến tranh “mạo hiểm” đi qua vùng “rừng thiêng nước độc” thì đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), xuất nhập cảnh (XNC) khu vực này khá nhộn nhịp. Chỉ tính riêng năm 2019, có hơn 128.000 tấn hàng hóa XNK và 197.000 lượt người với nhiều quốc tịch khác nhau làm thủ tục XNC, kim ngạch XNK đạt hơn 52 triệu USD. Tuyến đường giao thông huyết mạch nối vùng Nam Lào qua La Lay đến Quảng Trị thực sự cuốn hút các doanh nghiệp và khách du lịch của các quốc gia.

Trong thời gian tới, tại Cửa khẩu quốc tế La Lay sẽ hình thành công trình Quốc môn, khu hành chính cho các cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, các công trình làm việc của cơ quan thuế, ngân hàng, bưu điện, điện lực, viễn thông được bố trí thành cụm tại vị trí tiếp cận cửa khẩu theo hướng từ đường Hồ Chí Minh lên. Hệ thống kho bãi được quy hoạch, bố trí thuận tiện cho hoạt động XNK của hàng hóa và phương tiện XNC cũng như các hoạt động khác tại cửa khẩu. Ngoài ra, cửa khẩu được quy hoạch khu thương mại - dịch vụ, quảng trường, công viên, vườn hoa để phục vụ cho khách du lịch và nhân dân. Tổng nguồn vốn cho giai đoạn 2015 - 2020 gần 488 tỉ đồng. Hiện nay, các đơn vị thi công đang tiến hành rà phá bom mìn, san lấp tạo mặt bằng phục vụ xây dựng các công trình. Một cửa khẩu hiện đại, khang trang và khu kinh tế mới tọa lạc trên vùng gió núi mây ngàn đã và đang được hình thành…

Hai vùng kinh tế, chung một tuyến đường

Nếu năm 1989 thời điểm tỉnh Quảng Trị mới lập lại, từ Khe Sanh đi về Cửa Việt độc nhất phải đi qua Quốc lộ 9 thì 30 năm sau chúng ta có quyền mơ ước về một tuyến đường mới, đó là Quốc lộ 15 D kéo dài nối Mỹ Thủy với Cửa khẩu quốc tế La Lay. Nhìn về tổng thể khu vực Tây - Nam sẽ được nối với Khu kinh tế Đông - Nam mở ra cơ hội rất lớn để thu hút các nguồn vốn đầu tư cho cả hai khu vực Đông - Nam và Tây - Nam Quảng Trị. Riêng Khu kinh tế Đông - Nam đang thu hút làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư chiến lược tập trung vào các chương trình, đề án, lĩnh vực trọng điểm mang tính đột phá, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đến thời điểm 30 năm tỉnh Quảng Trị lập lại đã có 28 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn là 13.762 tỉ đồng, trong đó có 7 dự án đã đi vào hoạt động. Trong tương lai, Khu kinh tế Đông - Nam được nối thông các nước Đông Nam Á không chỉ bằng đường biển mà còn cả đường bộ. Và lúc ấy, khu kinh tế Đông -Nam và khu kinh tế Tây - Nam tạo sự tương tác, hỗ trợ tích cực cho hai vùng kinh tế của tỉnh.

 
Cửa khẩu quốc tế La Lay. Ảnh: VC 

Đối với Khu vực Tây - Nam sẽ được tỉnh Quảng Trị triệt để khai thác tiềm năng và lợi thế về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa phục vụ cho hoạt động kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Ngoài ra, thông qua Cửa khẩu quốc tế La Lay, hàng hóa còn kết nối và lưu thông qua tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 9, cảng Cửa Việt, Mỹ Thủy đi Pakse và các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông. Thúc đẩy giao lưu thương mại, hợp tác quốc tế, tạo tăng trưởng, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Theo đó kim ngạch XNK cũng sẽ tăng lên, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm. Bức tranh ngày mai tươi đẹp cho khu vực Tây - Nam đang được hiện thực hóa.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, cho biết: “Cửa khẩu quốc tế La Lay có những lợi thế lớn trong việc kết nối giao thương hàng hóa, xúc tiến thương mại, đầu tư giữa Quảng Trị và các nước trong khu vực, hỗ trợ đắc lực cho Khu kinh tế Đông - Nam và là động lực để phát triển kinh tế Khu vực Tây - Nam. Vì vậy tỉnh Quảng Trị tiếp tục nâng cấp và đề xuất Chính phủ đầu tư xây dựng khu thương mại biên giới tại La Lay một cách đồng bộ để phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp và nhân dân”.

Năm 2020 là năm thứ 5 kể từ ngày La Lay được Chính phủ hai nước Việt - Lào cho phép nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, cơ sở hạ tầng về giao thông từng bước được hoàn thiện. Giờ đây, từ thành phố Đông Hà qua Cửa khẩu quốc tế La Lay đi thị xã Salavan chỉ còn 5 - 6 giờ, rút ngắn chặng đường còn một nửa so với tuyến Quốc lộ 9 đi qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Mỗi khi khoảng cách và thời gian được rút ngắn tạo thuận lợi cho nhân dân Quảng Trị và các tỉnh Nam Lào giao lưu, hợp tác cùng phát triển kinh tế, văn hóa.

Đất nước đã vào xuân, mùa xuân của lao động dựng xây với nhiều mơ ước mới. La Lay giờ đây đang bề bộn những công trình và miệt mài những chuyến xe lăn, nhưng từ những bộn bề ấy đã tạo nên chấm phá mới. Miền đất La Lay - nơi được cho là rừng thiêng nước độc trước đây - sẽ trở thành một trong những vùng kinh tế mới của tỉnh. La Lay và khu vực Tây - Nam Quảng Trị đang vươn mình mạnh mẽ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nghĩ về quy hoạch phát triển các đô thị hướng biển

Minh Phương |

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 27 khóa XVI, trong phần đóng góp lần 2 cho dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, một số đại biểu quan tâm đến vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, trong đó dự thảo đề ra nhiệm vụ: “Thực hiện tốt nhiệm vụ quy hoạch, xây dựng, phát triển, hình thành trục đô thị ven biển. Khuyến khích đấu thầu công khai để lựa chọn doanh nghiệp đầu tư các khu đô thị. 

Hơn 732 tỉ đồng đầu tư vào Cụm Công nghiệp Đông Ái Tử

Nguyễn Vinh |

Bằng các giải pháp đồng bộ trong giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông, triển khai thực hiện tốt chính sách ưu đãi đầu tư, cải cách hành chính, đến nay Cụm Công nghiệp Đông Ái Tử đã có 17 dự án đăng ký đầu tư, trong đó 16 doanh nghiệp đã được UBND tỉnh chấp thuận cho đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 732 tỉ đồng, tỉ lệ “lấp đầy” cụm công nghiệp này đạt trên 95%.

Lào xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 1.350 tấn

PV |

Báo cáo hàng tuần của Bộ Nông Lâm Lào (14-20/2/2020) cho biết tổng sản lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc đã đạt 1.350 tấn, tương đương 2.5% tổng hạn ngạch theo thỏa thuận song phương năm 2019-2020 là 50.000 tấn gạo chất lượng cao do công ty Suanye Lao và IDP hợp tác sản xuất tại Lào.

Biến Quảng Trị thành một trung tâm năng lượng của quốc gia

PV |

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại và các dự án năng lượng trên địa bàn.