Tạm biệt mùa xuân

Tốn Phong |

Khi người ta đưa những chậu cúc tàn úa, những cành mai rừng nở hết hoa chỉ còn lại lá… ném vào thùng rác là tết đã hết. Tôi sợ những khoảnh khắc như thế, dù mùa xuân đến và đi trong ấm áp, hạnh phúc.

 Nhớ lại hồi còn học phổ thông, thầy dạy văn bình luận hai câu trong bài Cáo tật thị chúng của Thiền sư Mãn Giác: Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai) mà lòng dửng dưng, vô cảm. Đến cái tuổi này mới thấy hết cái ý vị của những câu thơ đó. Đúng là mùa xuân luôn đưa đến cho mỗi con người sự đổi khác kỳ lạ!
 
 Ảnh: Nông Văn Dân

Tết vui nhộn nhất vẫn là lũ trẻ, chúng bận áo mới tinh thơm, phong bao lì xì đỏ tươi. Còn đối với tuổi già, chắc là mỗi mùa xuân qua làm bớt đi một tuổi, ai mà vui! Nhớ mỗi lúc có khách hỏi bà ngoại về tuổi, ngoại trả lời: Đừng hỏi tuổi, đời lâu lắm rồi. Biết để mà vui và cũng để mà buồn. Qua cách trả lời thú vị của ngoại, tôi thấy rất nhiều mùa xuân trôi qua trong cuộc đời cơ cực, thiếu thốn và chộn rộn với cuộc sống áo cơm của ngoại. Ngoại đã từng bảo: Nếu không có chiến tranh, đời ngoại ngày nào cũng là mùa xuân! Tôi chợt nhận ra mùa xuân trong  mỗi người thật bình dị, đôi lúc nhìn thấy vạt áo người yêu lấp ló sau bờ tre cũng là… mùa xuân.

Sau tết, đứa cháu học cấp I phụng phịu bảo: “cậu ơi, còn 360 ngày nữa là … tết lại”. Đúng là trẻ con, cái chúng ước mơ là ngày nào cũng tết để có áo mới và bánh kẹo. Ừ nhỉ, đúng 360 ngày nữa lại là tết. Nhưng chưa tiễn tết đi hết ai lại đợi chờ một tết cái tết khác.
 
  Ảnh: Nông Văn Dân

Mỗi mùa xuân đi qua, tôi luôn bị ám ảnh bởi những cuộc chia ly. Người ta quây quần bên nhau trong cái háo hức nhộn nhịp của mùa xuân, khi cái tết khép lại những cuộc xáo trộn lại diễn ra, người nam kẻ bắc.

Hồi còn đi học, mỗi mùa xuân ba anh em tôi lại khăn gói ra đi, mạ đưa chúng tôi lên chuyến xe đò để vào thành phố, nỗi buồn cứ quấn lấy tôi. Dường như cái tết trong tôi chưa bưa, muốn vui vầy bên áo mạ thêm một vài ngày để thoả thuê. Tôi sợ nhất bóng mạ quay về nhà một mình, trên con đường đê vừa dài vừa rộng, gió xuân mơn man, mạ nhìn chiếc giường nơi ba anh em thường nằm mà rươm rướm nước mắt: Hè này chúng lại về!
 
  Ảnh: Nông Văn Dân

Rồi ba mạ sẽ lên đồng như những nông dân khác. Sẽ chấm lại đám mạ non cho đẹp, cho đều. Con trâu, cái cày và nắng gió vẫn quất vào mặt ba, mạ làm cho những vết chân chim càng sâu hơn.

Mùa xuân của ba, mạ là khi hai người ngồi dưới bóng tre đưa, mạ lùa gió từ chiếc nón để quạt cho ba, ba lau mồ hồi trên má mạ. Nơi nào tìm thấy hạnh phúc là có mùa xuân.

Còn 360 ngày nữa là tết! Tôi nhớ lại câu nói của đứa cháu rồi nghĩ về thời gian, về những cuộc chia tay đầu xuân. Thêm một mùa xuân nữa đã đến. Đến rồi đi mang theo những cảm thức, những quyến luyến dường như còn vương vấn mãi khi nghĩ về cố quận.

TAGS

Tết đã, đang và sẽ tiếp tục thay đổi?

Lâm Chí Dũng |

Tết đã, đang và sẽ tiếp tục thay đổi. Tốt hơn hay xấu hơn tùy góc nhìn của từng người. Rất khó để kết luận thay cho người khác. Nhưng rõ ràng là mọi người dều có cảm nhận thoải mái hơn.

Tết là gánh nặng?

Phạm Xuân Dũng |

Bây giờ tết đã qua và cũng đỡ bận rộn hơn thử bàn chuyện này.

Vài cảm nhận khi xem “Siêu trí tuệ Việt Nam”

Lâm Chí Dũng (PGS.TS, Đại học Kinh tế Đà Nẵng) |

Sự chỉnh chu, nghiêm túc trong mọi công việc, tuân thủ kỷ luật và luật lệ, thái độ hòa nhã nhưng kiên quyết và nhất quán (và một số thứ khác nữa không tiện bàn ở đây...) là những điều mà ta vẫn luôn cần học hỏi một cách cầu thị, thực sự cầu thị chứ không phải là kiểu bắt chước hình thức, hời hợt.

Dưới đáy ba lô

Hoàng Công Danh |

Có việc đi xa xa một chút, đi công tác hoặc du lịch cỡ vài ngày, nhưng trước chuyến đi bao giờ vợ tôi cũng dặn mua ít quà thôi, đỡ lãng phí.