Nhắc đến Khe Sanh, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vùng đất lửa với nhiều di tích chiến tranh đã đi vào lịch sử, như một minh chứng cho mảnh đất chịu sự giày xéo khốc liệt của đạn bom, hoặc nghĩ đến một dải đất miền núi nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Trị với nhiều đồng bào dân tộc anh em sinh sống, hàng ngày hàng giờ đấu tranh với đói nghèo, lạc hậu...
Thực ra, Khe Sanh bây giờ đã khác, bằng ý chí bền bỉ và tình yêu quê hương, con người nơi đây đang dần “mặc áo mới” cho mảnh đất này...
Mùa cúc họa mi tại Khe Sanh...
Những ngày cuối mùa thu, Khe Sanh vẫn chìm trong sương mù lạnh buốt... Sương phủ lên những mái nhà sàn đơn sơ, cũ kỹ, giăng kín lối đi của những con đường vốn quanh co, đèo dốc. Không có gì lạ đối với những người đang sinh sống trên mảnh đất này, song điều này lại níu chân và thu hút những du khách gần xa muốn lưu lại khám phá. Khe Sanh vốn rộn ràng, cuốn hút bỗng trở nên đặc biệt hơn khi những khóm cúc họa mi đua nhau nở, đón hàng ngàn người đến với xứ sở vốn được mệnh danh là “tiểu Đà Lạt” này.Người khởi xướng và đưa vào trồng loài hoa lần đầu tiên có mặt tại đây là chị Đinh Thị Thu Thảo, một người con của Khe Sanh. Dẫn tôi dạo quanh một vòng vườn cúc họa mi vào mùa đang khoe sắc rực rỡ, chị Thảo chia sẻ: Khe Sanh vốn khí hậu trong lành hiền hòa, người dân chan hòa, mến khách, đồng thời có nhiều di tích lịch sử là điểm đến của nhiều người, mình nên dựa vào những lợi thế đó và làm gì đó thật ấn tượng để thu hút và níu chân nhiều du khách hơn nữa đến với quê mình”.
Từ suy nghĩ đó, chị Thảo đã mạnh dạn bắt tay thực hiện ý tưởng. Tháng 4 năm 2019, chị cùng các thành viên trong gia đình đã ra tận Hà Nội mua hơn 14.500 cây giống cúc họa mi về trồng. Điều đáng phấn khởi là cúc họa mi sinh trưởng, phát triển khá nhanh vì hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại Khe Sanh. Chỉ sau hơn 4 tháng, vườn cúc họa mi rộng hơn 1.500 m2 lên đều, khoe sắc. Cúc họa mi được chị Thảo chọn trồng trên quả đồi thoai thoải, cạnh hồ nước trong xanh, tạo nên không gian lãng mạn, nhanh chóng thu hút hàng trăm lượt du khách đến thưởng ngoạn, chụp hình lưu niệm.Những ngày chớm xuân, sương mù chỉ còn bảng lảng, nhường chỗ cho những ánh nắng xuân tràn trề nhựa sống thì vườn hoa gia đình chị Đinh Thị Thu Thảo tiếp tục là điểm đến đầy cuốn hút, khi những khóm tam giác mạch được chị mang về từ cao nguyên đá Hà Giang đang đua nhau nở rộ, tạo thành những thảm hoa rực rỡ với sắc tím hồng làm lòng người thêm nôn nao, chộn rộn…
Nếu như cúc họa mi làm nên một mùa thu Hà Nội đầy lãng mạn thì ở xứ được mệnh danh là “Tiểu Đà Lạt” như Khe Sanh, mùa cúc họa mi nở rộ lại gây tò mò, thôi thúc nhiều người muốn khám phá thêm những điều thú vị đang tiềm ẩn nơi mảnh đất này…
Ươm lên những hạt giống tốt đẹp...
Đến Khe Sanh, ngắm những khóm cúc họa mi, hoa tam giác mạch, cảnh sắc mây trời trong xanh hiền hòa… để thấy rằng, đi qua khốc liệt của bom đạn, chiến tranh, mảnh đất này đã hồi sinh đầy kì diệu. Câu chuyện về những con người đem tình yêu thương, lòng nhân ái gửi gắm vào những bông hoa, tô vẽ nên những câu chuyện đẹp cho cuộc đời sẽ cho ta thêm trân quý mảnh đất lành Khe Sanh.Anh Hồ Xuân Đức ở thôn Tân Hòa, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa là một trong những người viết nên câu chuyện ấy. Được biết, sau thời gian 5 năm vừa làm vừa nghiên cứu, tìm hiểu chất đất, khí hậu, thời tiết ở vùng quê mình, đồng thời đi học tập kinh nghiệm trên chục vườn hoa khắp các vùng miền, như: Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt… đến nay, anh Đức đã mạnh dạn mở rộng dần vườn hoa của mình tới hơn 2.000m2. Với ý tưởng xây dựng vườn hoa thành địa điểm trao đổi, mua bán cũng như tham quan cho những người yêu hoa, vợ chồng anh còn xây dựng mô hình vườn hoa thành một trong những điểm du lịch cộng đồng tại địa phương. Không chỉ làm sản phẩm để tạo thu nhập cho gia đình, người thanh niên trẻ với tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm này còn ấp ủ ý tưởng xây dựng vườn hoa thiện nguyện. Đặc biệt, không cần đi đâu xa, mùa xuân này, vườn hoa hướng dương của gia đình anh đã kịp đua nở, trở thành địa điểm “sống ảo” lí tưởng cho các bạn trẻ.
“Hoa vốn đã đẹp, nhưng sẽ đẹp hơn nếu người trồng hoa thổi hồn vào đó, làm cho những bông hoa trở nên biết yêu thương, sẻ chia với những mảnh đời khó khăn”… Anh Đức tâm sự như thế, khi quyết định lấy toàn bộ số tiền thu được từ việc bán vé khách tham quan, chụp ảnh để trao tặng những mảnh đời khó khăn, bất hạnh, đặc biệt là những học sinh nghèo học giỏi…
“Sau thành công từ vụ hoa này, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, tập trung vào chăm những giống hoa lạ để thu hút nhiều người hơn biết đến Khe Sanh. Tôi tin những kế hoạch của mình sẽ sớm thành hiện thực bởi tôi may mắn được sinh ra trên mảnh đất vốn được thiên nhiên ưu đãi này. Tôi cũng hy vọng, hoạt động thiện nguyện cũng theo đó sẽ được mở rộng hơn, giúp đỡ được nhiều hơn cho những mảnh đời kém may mắn…” anh Hồ Xuân Đức chia sẻ.
Trải dài trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, lâu nay, hoa dã quỳ tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp khiến bao người phải dừng chân. Đặc biệt hơn khi năm nay, màu vàng rực rỡ của loại hoa này được phủ dày hơn trên suốt đoạn đường hàng chục km chỉ níu chân du khách vô tình ngang qua đây mà đã lôi cuốn nhiều người tìm đến. Điều này được phát huy hiệu quả từ ý tưởng hình thành con đường hoa dã quỳ trên suốt chiều dài 60km đường Hồ Chí Minh nhánh Tây do Báo Lao động phối hợp với các cấp ngành trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Giờ đây, những bông hoa dã quỳ khoe sắc vàng rực tạo thành con đường hoa rực rỡ, đầy thơ mộng, thu hút hàng trăm du khách tìm đến mỗi ngày.
Chị Nguyễn Thị Nga, một người dân sinh sống trên tuyến đường hoa dã quỳ, giáo viên Trường Tiểu học Hướng Phùng được nhiều người cảm mến nhắc tên bởi hành động tự nguyện góp hơn 6500m2 đất để phục vụ việc trồng hoa dã quỳ, tạo cảnh quan, thu hút du khách đến với mảnh đất Hướng Phùng.
“Hơn ai hết, tôi nghĩ đây là việc đáng làm. Hiện nay Hướng Phùng có nhiều thứ cần được mọi người biết đến như cà phê rang xay, các loại nông sản sạch như bơ, tinh bột nghệ… Trồng hoa thu hút khách đến tham quan đồng thời người dân nhân cơ hội này quảng bá các sản phẩm của địa phương… Vậy nên không có lí do gì để không hưởng ứng việc xây dựng con đường hoa tuyệt vời này…” Chị Nga nói với tinh thần đầy lạc quan, phấn khởi...
Hoa sẽ là điểm nhấn để phát triển du lịch
Năm 2019, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Hướng Hóa đã ra Dự thảo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 83 - CTHĐ/TU, ngày 25/7/2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó nhấn mạnh: “Kinh tế du lịch có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Du lịch thực sự là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng; có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu; khả năng cạnh tranh cao, có tính xã hội hóa cao. Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người và quê hương Hướng Hóa; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội...” và đưa ra mục tiêu: “Tập trung phát triển du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đến năm 2025 đưa Hướng Hóa trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn ở tỉnh Quảng Trị; đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, tạo bước đột phá trong phát triển cho giai đoạn tiếp theo...”.Trên cơ sở đó, bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hướng Hóa cho rằng: “Trong hành trình xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, với những lợi thế về chất đất, khí hậu… hoa sẽ là điểm nhấn để xây dựng sản phẩm du lịch của địa phương.” Đồng thời cho rằng: “Hướng Hóa có điều kiện thời tiết khí hậu cũng như điều kiện đất đai rất thuận lợi cho sự phát triển của các loại hoa nở theo mùa. Nắm bắt được điều này, thời gian gần đây, một số hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng hoa, vừa để phát triển kinh tế và cũng để phục vụ khách du lịch đến tham quan, chụp hình. Mới bước đầu manh nha, trồng thử nghiệm cho nên các mô hình này quy mô chưa được lớn. Tuy nhiên kết quả cho thấy rất khả quan, thu hút rất đông khách tham quan. Và chúng tôi cũng xác định lấy đây làm điểm nhấn để xây dựng sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy mô hình du lịch cộng đồng phát triển trong thời gian tới.”
(Nguồn: Báo Lao Động Xuân BMT)